Dec 30, 2012

note 143.

Tôi có một giấc mơ. Khi trời tối mịt, tôi và cậu bạn thân mải miết chạy trên những con đường vắng người ở Melbourne. Chúng tôi tháo giày ra để cảm nhận được cái lạnh, cái ráp của những viên gạch lát trên vỉa hè. Tôi kéo cậu ấy, ngồi xuống trước thềm của một tòa văn phòng vẫn còn sáng đèn nhưng cửa đã khóa kín. Tôi mở chiếc túi của mình, lôi ra hai lon bia, một cho cậu, một cho tôi. Chúng tôi nói chuyện trên trời và dưới biển, những chuyện mà mười phút sau thì lập tức quên hết mình đã vừa nói gì. Khi tôi đang thao thao bất tuyệt những câu chuyện không đầu không cuối, cậu bạn tôi bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài. Tôi hơi thất vọng, nhưng được thể ra oai, vênh mặt lên tận trời, trịnh trọng nói với cậu bạn: "Buồn ngủ thì dựa vào vai mình đây này!". Cậu ấy xoa đầu tôi, cười không ra tiếng, nhẹ nhàng hỏi: "Đã muốn về chưa?". Lập tức, tôi đứng dậy, kéo tay cậu bạn, vừa hỏi vừa đề nghị: "Hay là đi ăn?". Và chúng tôi khoác tay nhau, tiến thẳng tới tiệm ăn khuya lúc 2 giờ sáng có lẻ. Tôi và cậu bạn cứ thế nói mãi, cười mãi, đi mãi không mỏi mệt.

Tôi có một giấc mơ. Hà Nội những ngày chớm đông, lạnh một chút, nhưng ấm rất nhiều. Ấm là bởi lẽ tôi ngồi  trong taxi, kéo cửa sổ xuống, hít thật sâu vào lòng cái bụi của Hà Nội và có thể mỉm cười khe khẽ: "Đúng là nhà đây rồi". Chú lái taxi đưa ra mấy câu nhận định vu vơ về ý thức người tham gia giao thông hay về việc giá cả tăng lên vèo vèo. Tôi đáp lại những câu chân thành vì cảm thấy người nói chuyện thật thân thiện. Tôi cầm chiếc máy ảnh lang thang phố cổ đôi ba hồi. Rồi tôi dừng chân ở cái góc tôi yêu nhất, cái góc có thể nhìn thấy tôi của 8 năm trước, thấy tình bạn và cả những rung động đầu đời. Tôi ngồi ở một quán cà phê nhỏ gần đó và nhớ lại tất cả những người đã từng cùng với tôi, ngồi ở đây, những ngày tháng năm nào trước, và đã từng nói những gì. Tôi gọi cho đứa bạn thân lâu năm và nói với nó những lời sến súa nhất mà tôi từng nói. Và nó nhanh chóng chặn họng trước khi tôi đi quá xa: "Con điên này". Tôi cúp máy, miệng vẫn cười, mở sổ ra và nhanh tay vẽ lại chân dung người lạ mặt ngồi đối diện. Tôi ghi lại ngày tháng dưới bức chân dung, đóng sổ lại, gọi bill, trả tiền và đứng lên ra về.

Tôi có một giấc mơ. Như mỗi sáng Chủ Nhật, tôi cuộn tròn trong chăn, hai bàn chân rúc vào lò sưởi, mặc kệ tiếng chuông báo thức đã kêu tới lần thứ 'n'. Mẹ tôi bỗng chạy vào, ôm lấy tôi và thủ thỉ: "Mẹ ngủ với con nhé". Tôi không nói gì, chỉ tiếp tục giữ mắt nhắm chặt, vừa mỉm cười, nước mắt vừa trào ra. Tôi nắm lấy tay Mẹ, khẽ nói: "Con yêu Mẹ nhất trên đời". Mẹ tôi đáp lại nhanh chóng như đã thuộc bài: "Mẹ cũng yêu các con nhất trên đời". Tôi càng nắm chặt tay Mẹ hơn, không dám nói gì, chỉ sợ khóc thành tiếng. Trong giấc mơ, Mẹ tôi không bao giờ già đi, không bao giờ đau, không bao giờ khổ. Mẹ ôm tôi mãi như vậy và tôi mãi nắm chặt bàn tay Mẹ như vậy không rời.

Dec 28, 2012

it should never be hard to be nice to people. my dad said.

Nói gì thì nói, mình cảm thấy Bố Mẹ mình đều là những người tốt bụng và thánh thiện, tuyệt vời. Ở với Bố Mẹ bao nhiêu lâu nhưng nói thật là mình không thể nhớ nổi đến một lần Bố hay Mẹ mình nói xấu người khác. Một lần cũng không có. Ít nhất là trong trí nhớ của mình là như vậy. Mỗi khi mình hay chị mình chực mở miệng ra trách móc, phê phán người này người kia, phụ huynh đều vội ngăn chặn kịp thời. Mẹ lúc nào cũng nói, 'thế là không được'. Còn bố thì có dạy mình một điều: 'Không quan trọng người ta đối xử với mình như thế nào. Mà quan trọng là mình làm hết khả năng của mình để đối xử tốt, vui vẻ, tôn trọng họ thì dù người ta có như nào, mình cũng không phải phiền lòng.' Câu cú chính xác thì chả nhớ được, nhưng đại ý thì là vậy. Thực ra đi nhiều rồi, học nhiều, làm nhiều rồi thì quả là gặp gỡ không ít người. Mỗi người một tính nết, một lối sống, một kiểu cách. Thực lòng mà nói thì có nhiều lúc niềm tin vào con người của mình tụt xuống mức thảm hại. Có những lúc cảm thấy chẳng thể tin nổi ai, ngoài chính bản thân mình. Nhưng mà thi thoảng mới thế thôi, chung lại là mình vẫn ngu lắm, vẫn tin tưởng thường xuyên lắm. Nhiều đứa từng gọi là 'bạn' xong quay ra đạp cho mình ngã quay xuống đất cũng nhiều lắm. Hay cũng rất nhiều người sống với mình mà một tỉ bộ mặt, mình biết hết mà không tự bẻ mồm nói thẳng vào mặt nó được. Người ta bảo mình chẳng hiền lành gì, mình nghĩ mình cũng chẳng hiền mấy, nhưng thực ra vẫn lành chán. Nhiều người sống chẳng ra sao với mình, nhưng mình cũng chưa một lần nghĩ đến chuyện thù với chẳng chả, cũng chẳng bao giờ ghét bỏ ai quá đôi ba ngày. Đại ý là cũng hơi hơi rộng lượng. Nhưng mà chắc còn lâu lâu lắm mới được như Bố cả Mẹ. Nhiều lúc nghĩ không hiểu phải chờ đến già, mình mới có thể như Bố dạy, có thể ung dung sống hết lòng vì mọi người, dù là với những đứa chẳng ra làm sao với mình nhất? Có lẽ, một ngày sẽ tu được đến mức đấy. Hi vọng là thế. Còn bây giờ thì vẫn có những lúc ấm ức lắm, vẫn muốn đấm vỡ mặt một số đứa lắm. Nhưng mà yên tâm, chắc chắn sẽ không đấm đứa nào đâu, sẽ còn cười rất tươi với bọn nó là đằng khác. Không phải vì hai mặt, mà trong mình vẫn có một thứ gọi là 'đạo đức', sẽ ngăn chặn bộ mặt mình trở nên nhăn nhó, khó chịu! Nói chung là các bạn ạ, mình còn tử tế và hiền lành vì 'đạo đức' bảo mình phải như thế, thế nên các bạn cũng hay tha cho mình đi. Đừng cố bẻ cong cái anh 'đạo đức' của mình nữa, làm ơn?


being inspired is one of the best feeling. ever.


I feel like I'm drinking some sort of 'laughing-beer'. Listening Yoga Lin, drinking beer and feeling amazing! I feel so inspired, like never before.

Maybe the music is just way too beautiful to listen too. I could feel the wave, the seaside, the sound of the ocean, and the sound of someone smiling so softly. Em có thể nhìn thấy khung trời mùa thu đầy gió đầy nắng của Melbourne. Em có thể thấy những ngày lá vàng trút đầy đường như mưa nắng. Em có thể thấy em và anh, bàn chân không dép, mải miết chạy và mải miết cười đùa trên những con đường nhỏ quen thuộc. Believe it or not, so sudden, I can see it all so clear, like never before. Có lẽ hoài niệm cũng có thể trở thành một thứ hạnh phúc ngọt ngào.

Âm nhạc rất kì lạ. Nó có thể khiến cho người ta nhìn thấy những điều thường người ta không thấy nổi. Có thể xoa dịu nỗi đau của một người. Cũng có thể thắp sáng hi vọng cho một người. Và cũng có thể khiến cho em mỉm cười lạ thường như giây phút này.


Dec 24, 2012

4am.

4 giờ sáng rồi. Chuẩn bị đi ngủ. Muốn viết vài dòng trước rồi sẽ lên giường, đắp chăn ngay. 

Có một số lời muốn nói với bản thân và nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ. Con người ai cũng có số mạng. Là duyên thì không thể tránh, là họa cũng không thể trốn. Nhưng mà ai cũng có sự lựa chọn. Đứng giữa từng sự  lựa chọn nhó ấy, phải sáng suốt một chút, phải cương quyết một chút. Đã quyết thì phải làm tới cùng. Cái gì đúng thì phải nhìn nhận cho phải. Cái gì sai thì phải sửa chữa. Không thể chậm trễ. Có thể cho mình thời gian suy nghĩ chín chắn, nhưng phải nhớ rằng thời gian không phải vốn liếng vô hạn. Có rồi thì phải biết nắm lấy, phải tận dụng hết khả năng. Sức khỏe là vốn quý giá nhất. Tuyệt đối không được hoang phí. Đừng bao giờ suy nghĩ phiến diện, cho rằng tình thế này là tạm thời. Không có một tình cảnh tạm thời nào hết. Phải tự kiểm điểm lại, nhìn nhận lại tình cảnh ấy và học cách tận hưởng cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Sự lựa chọn của một năm trước là không hề sai lầm. Phải nhớ xem vì những lí do gì mà sau tận bao nhiêu tháng trời mới quyết định lựa chọn như vậy, và vì sao đã từng rất vui vẻ. Một khi nhìn ra vấn đề rồi, tìm ra nguyên nhân xảy ra vấn đề rồi, mới có thể giải quyết triệt để. Mọi sự tại thân. Vốn luôn là do bản thân mình mà sinh ra mọi sự. Luôn phải hiểu, tiên trách kỉ, vị trách nhân. Mình có sai hay không? Nếu mình sai, thì không có gì đáng trách người khác cả. Khi nói lời xin lỗi thì phải là lời xin lỗi chân thành. Nếu cảm thấy không phục thì đừng làm. Mỗi khi làm một điều gì đó, thì phải hoàn toàn tin tưởng trọn vẹn vào điều mình đang làm. Không được hoang mang, nghi hoặc. Khi nào cảm thấy bất mãn, nhất định phải biết mở mồm ra mà nói. Nói lịch sự, thái độ đàng hoàng. Đừng có hai mặt. Sống như vậy thực ra là làm tổn hại bản thân, khiến bản thân mệt mỏi, không vui. Lại khiến cho mọi người không bao giờ có thể thấu hiểu mình, luôn chỉ biết cái xấu xa, mà không thể nào nhìn thấy nỗi khổ tâm và những sự cố gắng hòa nhã của mình. Có cái miệng vốn là để cười, mồm là để nói, mặt để nhìn, tấm lòng để rộng mở. Có thể ban đầu quay lại sẽ hơi khó. Nhưng không có gì là không thể. Vốn dĩ, chỉ cần hiểu ra rằng, mình thân thiện, đối tốt hết mực với mọi người hoàn toàn không vì dụng ý xấu xa, mà vì việc đó sẽ làm cho họ vui vẻ, thuận lợi hơn, là Chúa muốn nhìn thấy nhân loại trở nên như vậy. Thế nên nhất định phải làm. Đừng bao giờ có ý nghĩ, phải chờ người ta cười với mình, người ta tốt với mình. Mình tốt là không chờ báo đáp, chỉ bởi vì nhất định phải làm. 

Sống sao cho vui vẻ và không hổ thẹn với bản thân mình, với những điều mình được nhận là được. 

Dec 21, 2012

Mẹ.

Thực ra làm gì có ai mà không biết nhớ, không biết buồn. Hồi nhỏ, lúc bố mới xa nhà, ai gặp tôi cũng hỏi là có nhớ bố không. Tôi cũng luôn bình thản nói, cũng hơi nhớ, nhưng đã quen rồi. Bản thân tôi lúc đó đã nghĩ rằng mình chính là như vậy, rất mạnh mẽ, không hề buồn bã, nhớ nhung, ủy mị. Nhưng mà sau này, có những lúc nhìn lại, tôi hiểu rằng vào từng thời điểm đó của cuộc đời tôi, nếu bố đã ở đó, đã nắm lấy tay tôi, đã nói với tôi rằng tôi nên làm như vậy và nên cảm thấy như vậy, có những chuyện không tốt đã không xảy ra và có những chuyện đúng đắn đã đến. Dĩ nhiên, thời gian thì không bao giờ có thể quay ngược trở lại. Và cũng không có ai đã đúng và đã sai. Tôi cũng không bao giờ trách bố tôi hay mẹ tôi hay bất cứ ai trong gia đình tôi cả, hoặc chí ít tôi cũng cố gắng dặn lòng đừng trách móc. Chỉ bởi thời thế và hoàn cảnh như vậy. Tôi nghĩ tôi vẫn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người. Hay cả bây giờ cũng vậy. Tôi cũng rất nhớ nhà, rất nhớ mẹ. Với tôi, trên đời này không có bất cứ thứ gì quan trọng hơn mẹ. Nhiều khi, chỉ cần nhắc tới chữ 'mẹ' thôi thì nước mắt tôi có thể lập tức trào ra. Tôi muốn nhẩm đi nhẩm lại một trăm, một nghìn câu, 'con nhớ mẹ'. Mỗi lúc tôi đau nhất thì đều không có mẹ ở bên, mỗi lúc ấy đều là rên rỉ nhưng như gào thét trong đầu: 'Mẹ ơi, cứu con'. Nghĩ là vậy, bởi vì trên đời này chỉ có thể tin mẹ nhất. Tin rằng chỉ có mẹ mới yêu thương mình vô điều kiện, có thể yêu con chỉ bởi vì con là con mẹ, chứ không bởi vì bất cứ, bất cứ một điều gì khác. Bây giờ lớn một chút, ngồi nghĩ lại cảm thấy phận nữ trong gia đình mình quả thực rất khổ, rất khổ. Từ bà, tới mẹ, tới dì, tới chị gái, ai cũng vất vả, cũng hết cái khổ này tới cái khổ khác. Nhiều người bạn biết tôi rõ vẫn nói rằng, số tôi long đong lận đận. Thế nhưng mà nhìn đi nhìn lại, tôi thấy số phận những người phụ nữ trong gia đình tôi còn khổ ải hơn tôi nhiều phần. Nhiều khi nhìn ảnh mẹ, thấy mẹ già đi nhiều quá, cảm thấy lòng thắt lại. Chỉ muốn chạy đến bên, ôm mẹ vào lòng, muốn có thể nói dõng dạc với mẹ: 'Trời có sập xuống, cũng có con đỡ cho mẹ', Muốn mẹ không bao giờ phải khóc, phải luôn khỏe mạnh, luôn vui vẻ, hạnh phúc.

Thực ra có một câu tôi vẫn hay nói với người khác: 'Nếu bản thân mình cho phép mình vui vẻ thì mình sẽ vui vẻ. Nếu mình không cho mình vui vẻ thì mình mãi mãi không thể vui vẻ.' Chính là vậy đó. Hít vào, thở ra và cười lên mà sống.


Dec 16, 2012

Tập truyện ngắn: Những mẩu chuyện nhỏ nhặt (9)

9. Mẩu chuyện số Chín 

[...Ai cũng nói hoa hồng rất đẹp và cũng rất thơm. Cô ta luôn luôn kiêu hãnh, tự hào vì điều đó. Để giữ gìn sự kiêu hãnh, tôn nghiêm của mình, cô ta chọn cách lạnh lùng xù gai nhọn. Người ta yêu thích cô bao nhiêu, thì cũng e dè, nể sợ cô chừng đó. Nhưng chẳng ai chịu hiểu rằng, gai đâm vào người họ đã đau, gai mọc trên người cô còn đau gấp vạn lần...]

Vở kịch nào rồi cũng có hồi kết. Sân khấu nào rồi cũng tới lúc phải hạ màn. Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Nhưng có những cuộc gặp gỡ lại ngắn ngủi quá đỗi. Ngắn ngủi tới nỗi, chưa kịp quen thì đã phải nói lời chào, chưa kịp chào hỏi thì đã hóa xa lạ. Nhiều năm trước, tôi cũng từng có một cuộc gặp gỡ như vậy. 

Khi ấy, tôi vừa mới hoàn thành xong khóa học của mình, chỉ còn đang chờ đợi tới ngày lễ tốt nghiệp và tấm bằng cử nhân. Lúc bấy giờ, tôi nổi tiếng là mẫu học sinh cần mẫn, tối ngày đèn sách. Nói cách khác thì tôi là một 'mọt sách' chính hiệu. Suốt 4 năm học đại học, dù cho các bạn học đôi lúc có rủ đi chơi đây đó hay tham dự những tiệc tùng, tôi đều luôn tìm cách từ chối, thoái thác. Mọi người sau dần cũng biết con người của tôi như vậy nên ít khi ngỏ lời rủ rê đàn đúm nữa. Nhưng kể cả đối với những dịp đi chơi chung với lớp hay tham gia những buổi họp mặt đơn thuần, tôi cũng rất e dè. Chỉ duy có hai lần, các bạn học thành công với việc 'áp giải' tôi đến với thế giới của tuổi trẻ. Lần thứ nhất là khi Mỹ Anh, cô bạn học khá thân của tôi, hết sức nhiệt tình mời tôi tới sinh nhật lần thứ 21 của cậu ấy. Lần thứ hai, cũng được coi là lần cuối cùng trong suốt 4 năm đó, là khi Mỹ Anh quyết đưa tôi đi xem vở nhạc kịch đầu tiên trong đời trước khi chúng tôi cùng rời khỏi giảng đường đại học. 

Vào thời điểm đó, một kẻ mọt sách như tôi, tới phim ảnh còn chẳng màng. Thế nên việc đi xem nhạc kịch là một điều gì đó to lớn lắm, được coi như là một quyết định cao cả lắm. Lúc ấy, không hiểu Mỹ Anh đã phải hao tổn biết bao công sức mới có thể thuyết phục được 'bà cô già' là tôi, đi xem nhạc kịch cùng cậu ấy. Vì lúc bấy giờ, cả hai chúng tôi vẫn còn đang là sinh viên, cái gì cũng cũng thiếu, mà nhạc kịch thì đã vốn nổi tiếng là bộ môn xa xỉ. Cả hai chúng tôi đã phải chi tiêu tiết kiệm trong suốt mấy tháng sau đó để coi như là bù lại món quà tốt nghiệp đắt đỏ này. Dĩ nhiên, chúng tôi chẳng bao giờ than phiền vì điều đó. Buổi biển diễn quá tuyệt vời. Chính từ lần đầu tiên được tiếp xúc với hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, sau này tôi càng hứng thú với nhạc kịch. Nhiều năm sau, mỗi khi có dịp, tôi lại thường lui tới những sân khấu khác nhau, xem những vở nhạc kịch khác nhau, hoặc xem lại một vở nhạc kịch mà tôi đã thuộc lòng. 

Buổi diễn hôm đó liệu có thực sự đặc biệt với Mỹ Anh hay không thì tôi không rõ. Nhưng đối với tôi, câu chuyện xảy ra tối hôm đó không chỉ là câu chuyện của những nhân vật trên sân khấu, mà còn có một câu chuyện bên lề mà bao năm nay tôi vẫn nhớ như in, từng chi tiết, từng chút, từng chút một. 

Tối hôm đó, tôi và Mỹ Anh hẹn nhau 7 rưỡi sẽ có mặt trước cửa nhà hát để kịp cho buổi biểu diễn bắt đầu lúc 8 giờ. Vẫn như thường lệ, tôi tới sớm 5 phút và chờ cậu ấy, dù cho trong lòng đã biết trước cậu ấy sẽ để tôi chờ lâu hơn 5 phút này. 10 phút trôi qua, cậu ấy vẫn chưa tới, tôi đi loanh quanh khu vực trước cửa nhà hát, liên tục đưa tay lên nhìn đồng hồ. Không phải bởi vì tôi suốt ruột, bởi vì tôi biết cậu ấy quá rõ rồi, đâu cần phải nóng ruột nữa. Tôi chỉ là muốn thể hiện rõ ra rằng tôi đang đợi người tới, chứ không phải là một con ngốc đang đi lang thang một mình. Thực ra, chẳng ai có đủ thời gian nhìn tôi và suy đoán nhiều đến vậy, chỉ là tôi của ngày ấy cứ luôn bất an về việc người ta nghĩ gì về mình. Sau này nhìn lại, tôi thấy việc đó mới khiến tôi trông giống như một con ngốc.

Rồi 20 phút trôi qua, cô bạn quý hóa của tôi vẫn chưa ló mặt. Dù sao thì cũng còn 15 phút nữa cho tới khi buổi diễn bắt đầu, tôi vẫn thong thả chờ đợi. Đang mải nhìn chiếc đồng hồ, đếm tới đếm lui theo kim giây, tôi bước ngang qua cửa ra vào chính của nhà hát. Tôi còn chưa kịp nhận ra mình đang cản đường đi lối lại, một vóc dáng cao to với chiếc áo len đỏ đun đã chạy lướt qua mặt, có một cái gì đó va mạnh vào vai tôi và sau đó là tiếng xin lỗi rối rít ở phía sau lưng. Một giọng nam nhẹ nhàng, nghe rất trẻ, cứ hỏi tới hỏi lui: "Xin lỗi. Mình xin lỗi. Cậu không sao chứ?". Tôi không quay lại, chỉ hơi nghiêng người về phía sau và khẽ lắc đầu: "Không. Không sao cả.". Tôi không nhìn thấy rõ mặt người này, chỉ biết là rất trẻ. Nghe tôi nói xong, người đó không nói gì nữa, nhưng hình như đã thoáng cười, cúi đầu chào và sau đó tiếp tục chạy vào bên trong nhà hát. Lúc đó, tôi đã nghĩ, đây là một người tốt. 

Cuối cùng thì sau phút thứ 25 để tôi thơ thẩn một mình trước cửa nhà hát, Mỹ Anh cũng đã tới. Cậu ấy vừa thở hổn hển, vừa rối lên xin lỗi, vừa kéo tay tôi chạy vào trong để cho kịp giờ diễn. Khi chúng tôi bước vào bên trong, khán phòng đã được tắt hết đèn. Phải nhờ tới sự trợ giúp của chú bảo vệ cùng chiếc đèn pin, chúng tôi mới có thể mò tới được chỗ ngồi của mình. Hầu hết các ghế đã kín người ngồi. Vị trí của tôi và Mỹ Anh cũng thật hiểm trở, ở ngay góc trong cùng, phải đi qua hết bao nhiêu ghế đã có người ngồi kia mới tới được chỗ của chúng tôi. Vừa nói xin lỗi, chúng tôi vừa nhanh chân bước qua hết cả dãy ghế dài. Vừa kịp ngồi xuống hoàn hồn, tôi đặt túi xuống bên cạnh, quay sang bên phải thì đã giật mình. Chính là chiếc áo len đỏ đun tôi mới gặp trước cửa ban nãy, chính là người đó, đang ngồi ngay bên cạnh tôi bây giờ. Người đó có lẽ cũng đã nhìn ra rồi, mới bình thản quay sang, mỉm cười, gật đầu chào: "Thật có duyên". Tôi không nói gì, chỉ khẽ gật đầu rồi quay về phía Mỹ Anh mỉm cười.

Lúc ấy đang là tháng 12, ngoài trời rất lạnh, nhưng bên trong nhà hát có máy sưởi hoạt động, có cả giàn đèn lớn, lại có cả hàng trăm khán giả ngồi chật kín phía dưới nên cảm thấy rất nóng là chuyện đương nhiên. Nhưng tôi lại có thói quen chỉnh tề, dù ngồi đâu cũng ít khi cởi bỏ áo khoác. Mỹ Anh cởi áo ngoài xong thì quay sang nhắc tôi cũng cởi bớt áo ra vì buổi biểu diễn sẽ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Thấy cậu ấy nói có lý, tôi đành nghe theo và đứng lên cởi chiếc áo khoác dạ của mình. Vừa bỏ áo xuống, tôi đã nghe thấy tiếng 'keng' gõ xuống sàn nhà. Tôi vội vã kiểm tra lại túi áo khoác thì phát hiện ra chiếc chìa khóa phòng đã không còn ở đó nữa. Vậy là tôi biết chắc chiếc chìa khóa quý giá của tôi đã rơi ra ngoài. Hoảng hốt, tôi đành quay sang nói với cô bạn của mình. Chúng tôi vừa cúi người xuống, vừa cố nheo mắt, vừa chạm tay xuống sàn, hi vọng sẽ chạm được vào chiếc chìa khóa vừa mới rơi ra. 

Đèn phía dưới khán phòng đã được tắt hết. Tiếng nhạc bắt đầu vang lên. Buổi biểu diễn bắt đầu. Hai chúng tôi thì vẫn mò mẫm dưới sàn nhà. Không thể nhìn thấy gì nữa, chúng tôi đành chịu trận, bỏ đó rồi chờ đèn sáng lại sẽ tính tiếp. Nhân vật người tốt ngồi bên cạnh thấy vậy, quay sang hỏi: "Cậu tìm gì sao?". Vẫn là thái độ lạnh lùng, tôi trả lời trỏng trơ: "Chìa khóa". Người đó vội cúi người xuống, cũng quay qua quay lại, chạm tay xuống sàn để thử tìm kiếm. Rồi người đó quay lên, hỏi tôi chìa khóa rơi lúc nào và liệu tôi tìm kĩ trong túi hay chưa. Vì không muốn ảnh hưởng tới những người cùng xem và tới tâm trạng được xem nhạc kịch lần đầu của mình, tôi vội nói với người đó: "Thôi, cậu không cần tìm giúp mình đâu. Chút nữa, khi đèn sáng, mình sẽ tự tìm. Có lẽ sẽ thấy". Người đó gật đầu, mỉm cười và 'ừ' một tiếng hết sức nhẹ nhàng.

Suốt 3 giờ đồng hồ, ngoài vở nhạc kịch, có hai thứ khiến tôi không thể không nghĩ tới. Một là chiếc chìa khóa phòng hiện đang mất tích. Hai là nhân vật người tốt ngồi kế bên. Do khán đài của chúng tôi ở phía bên tay trái, nên khán giả phải hướng về bên phải mới có thể theo dõi được vở diễn. Mỹ Anh quay sang bên phải, tôi quay sang bên phải và người đó cũng nhìn về bên phải. Nói cách khác, tôi có thể cho mình cái quyền khi hướng mắt về sân khấu, thi thoảng nhìn về phía người đó một chút, để có thể biết thêm một chút. Nhưng người đó lại không có quyền này, dù cho đôi khi, tôi biết có người nghiêng cổ về phía sau hơi quá nhiều. 

Người đó đi một mình. Nhìn đi nhìn lại, rõ ràng là rất trẻ. Có lẽ là bằng tuổi tôi hoặc có khi là còn kém tôi 1, 2 tuổi. Vậy nên, sau này tôi mới nhắc về nhân vật này và gọi là cậu ta. Vì quả thực là rất trẻ. Nhờ vóc dáng và cách ăn vận mà tôi mới nghĩ rằng tuổi cậu ta trạc tuổi tôi. Nếu chỉ dựa vào giọng nói và cách ứng xử, tôi sẽ nghĩ cậu ta còn trẻ hơn tôi nhiều nữa. Cậu ta không chỉ có giọng nói hết sức nhẹ nhàng, mà khuôn mặt và nụ cười cũng hết sức hiền lành. Hiếm khi tôi gặp một người mà khiến cho người khác cảm thấy giản đơn, trong sáng tới vậy. Quả thực là ấn tượng rất tốt. Từ đầu tới cuối vở diễn, cậu ta cũng vỗ tay rất nhiều và luôn có vẻ là đang vỗ tay hết sức mình. Với tôi, đây chính là một biểu hiện của 'người tốt'. Nụ cười tươi và những tràng pháo tay thể hiện sự trân trọng của cậu ấy dành cho những người nghệ sĩ, và cũng khiến tôi thêm trân trọng một vị khán giả như vậy. 

Vở nhạc kịch rồi cũng kết thúc. Khán giả ai nấy cũng đứng dậy, vỗ tay tán dương những người diễn viên đang cúi đầu chào khán giả. Từng chiếc rèm được hạ xuống ở phía trên sân khấu. Đèn được bật sáng trở lại ở phía dưới khán đài. Mọi người bắt đầu ra về. Chúng tôi thì bắt đầu cúi xuống sàn nhà để tìm chìa khóa. Chúng tôi là bao gồm cả cậu ta nữa. Tìm quanh cả dãy ghế cũng không ai thấy bóng dáng của chiếc chìa khóa đâu. Tôi đành liều nhảy xuống hàng ghế trên. Vừa cúi xuống thì đã nhìn ngay thấy chiếc chìa khóa quen thuộc. Tôi mừng rỡ không nói được gì, toan nhảy lên dãy ghế dưới để lấy đồ ra về thì mới phát hiện ra cần có điểm tựa mới nhảy lên được. Chưa kịp nói gì, tôi vừa ngẩng đầu lên, đã thấy cả Mỹ Anh và cậu ta đều đưa tay cho tôi đỡ lấy. Tôi quay sang nhìn nhân vật người tốt, suy nghĩ một giây, rồi nắm lấy tay Mỹ Anh, lấy đà nhảy lên. 

Chúng tôi gần như là những người cuối cùng rời khỏi nhà hát. Vừa đi, chúng tôi vừa trò chuyện. Thực ra, chủ yếu là cậu ta và Mỹ Anh trò chuyện rôm rả. Vì ngay khi cậu ta hỏi chúng tôi từ đâu tới, đã phát hiện ra hai người bọn họ ở cùng một vùng, có thể nói tiếng địa phương mà tôi gần như không thể hiểu nổi. Mãi khi ra khỏi nhà hát, cậu ta mới biết tôi không hiểu tiếng địa phương của họ nhiều, đành nói câu xin lỗi và hỏi chuyện tôi:

_ Hai cậu học chung một lớp sao?
_ À không. Cậu ấy học Kiến trúc. Mình học Ngôn ngữ học. Còn cậu? Ngành gì vậy?
_ Mình học Kinh tế học.
_ Ồ. Vậy ra là nhà kinh tế học trong tương lai sao? Năm mấy rồi? 
_ Mình đang học năm 3. Còn hơn 1 năm nữa mới ra trường. Cậu thì sao? 
_ Sắp tốt nghiệp rồi. Vậy cậu bao nhiêu tuổi?
_ 22 rồi. Đáng lẽ năm nay cũng tốt nghiệp nhưng mình học chậm một năm. 
_ Vậy là bằng tuổi. Sinh tháng mấy vậy? 
_ Tháng 7. 

Tôi chỉ mỉm cười, không nói thêm gì nữa. Dù cho, sau câu trả lời 'tháng 7', cậu ta nhìn tôi hồi lâu, thoáng cười, có lẽ là chờ đợi vì muốn biết lý do vì sao tôi lại hỏi tháng sinh. Thực ra, tôi cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Chỉ là muốn biết tôi lớn hơn hay trẻ hơn cậu ta. Và bởi vì khi nghe câu trả lời rồi, biết rằng mình trẻ hơn rồi nên chẳng còn gì để nói nữa. 

Đoạn đường sau đó, chúng tôi cùng nhau đi tới trạm xe buýt, nơi tôi và Mỹ Anh sẽ bắt xe để trở về nhà. Cũng đoạn đường sau đó, chúng tôi nói những gì với nhau, tôi cũng không thể nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ rằng, tôi không nói nhiều nữa, cả Mỹ Anh và cậu ta cũng không nói nhiều nữa. Ba người chúng tôi rảo bước trên đường vắng và thi thoảng lại hỏi nhau vài câu vu vơ. 

Khi tới trạm xe buýt, tôi vờ như không thấy cậu ta, lập tức quay sang hỏi Mỹ Anh xem chút nữa sẽ nấu món gì cho bữa khuya. Cậu ta có lẽ chẳng tìm được lý do nào để đứng lại nên nói lời chào với chúng tôi: "Ừm...mình sẽ đi thẳng từ đây về tới nơi mình ở. Chúc các cậu may mắn với bài...". Chẳng để cho cậu ta nói hết câu, tôi đã lạnh lùng nói một câu chẳng ăn nhập gì: "Ừ. Chào. Gặp lại sau.". Rõ ràng là chẳng ăn nhập, vì tôi chẳng hỏi tên, chẳng hỏi số điện thoại, chẳng hỏi cách liên lạc, vậy mà lại nói dõng dạc ba chữ: "Gặp lại sau". Có lẽ cậu ta cũng thấy tôi thật ngớ ngẩn nên mới cười ngượng ngùng, chào chúng tôi một lần nữa, rồi quay lưng bước đi. Tôi cũng không nhìn theo cậu ta, mà vẫn nhìn về hướng Mỹ Anh tiếp tục câu chuyện dở dang. Vừa kịp lúc xe buýt tới, tôi quay đầu lại một lần duy nhất, nhưng không còn nhìn thấy bóng người nữa, chỉ còn kịp mấp máy môi mấy chữ: "Gặp lại sau". 

Suốt buổi tối hôm đó, tôi cứ có cảm giác tiếc nuối một chút, hụt hẫng một chút. Có lẽ là đau lòng, mà lại không dám cho phép một chuyện nhỏ nhặt như vậy làm mình đau lòng, nhưng dù có cố gắng vẫn cảm thấy thoáng khẽ đau lòng. Sau này, tôi biết rằng bản thân lúc đó đã rung động nhưng lại không dám thể hiện, dù chỉ là một chút. Vì vậy nên đành che giấu bằng cách trở nên đóng băng cảm xúc, tỏ ra không quan tâm, không hào hứng, không thích thú một chút, một chút nào. Bao nhiêu năm, tôi vẫn cố tìm đủ mọi lý do để bao biện cho việc đã không thật với lòng hơn một chút, đã không thân thiện hơn một chút, đã không giữ liên lạc với cậu ta. 

Trước đây, tôi luôn tin vào duyên số và an bài. "Hữu duyên thiên lý, năng tương ngộ. Vô duyên đối diện, bất tương phùng". Chính là câu này, tôi vẫn nói đi nói lại rất nhiều. Nhưng có một điều, tôi của nhiều năm trước không hề biết, đó là duyên phận có thể đến thì cũng có thể đi. Nếu như ta không thể nắm giữ được duyên phận đến với mình, thì việc điều đó ra đi là tất yếu. Tôi của ngày ấy luôn nghĩ rằng, thế giới này thật tròn, ai cũng biết ai, ai cũng có thể gặp ai. Nhưng có một điều, tôi của ngày ấy không hề biết, đó là thế giới này cũng rất rộng lớn, một khi người ta quay lưng, bước đi thì sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. 

Sau rất nhiều năm, mỗi lần nhắc lại câu chuyện này, tôi lại có chút cảm giác của thời điểm đó. Chính là một chút tiếc nuối, một chút hối hận, một chút hụt hẫng. Thực ra, tôi nghĩ rằng, trong đời ai rồi cũng sẽ có, sẽ cần một nhân vật như vậy. Một nhân vật đủ khiến người ta nhận ra là đã để vụt mất một cơ hội mong manh ngay trước mắt, đã để cho sự rung cảm đẹp đẽ trôi qua trong chớp mắt. Một nhân vật khiến cho người ta phải trân trọng hơn mỗi điều cuộc sống đem đến cho mình, phải nâng niu hơn những điều mình đang có, và phải thật lòng đưa tay ra nắm lấy hạnh phúc của riêng mình. 

Dec 8, 2012

gia.

I think everyone has a bit of that hidden 'insanity' inside. Having that and leaving that forgotten is one thing. But to strongly realize its existence and be 'insane' is another thing. In order to be able to do that, one either needs to be with someone who has the same way of thinking/the same 'insanity', or one has to be really brave to play the inside voice all alone.

Có lẽ, ai cũng có một chút 'ngông' đâu đó. Có nó và cất giữ nó ở đâu đó là một chuyện. Nhưng để thể hiện và sống với cái 'ngông' đó lại là một chuyện khác. Chỉ có hai cách để một người có thể làm như vậy, hoặc là người đó đủ may mắn để gặp một kẻ 'ngông' khác giống như mình, hoặc là người đó phải thực sự dũng cảm để đi với cái 'ngông' của mình tới tận cuối đường. 

...

Lúc học hành cam go, khổ ải thì lúc nào cũng chỉ nghĩ tới lúc được chơi, được nghỉ. Nhưng đến lúc xong xuôi, tạm ổn rồi thì lại thấy hẫng, thấy buồn. Cảm giác như cái sự thảnh thơi cũng chẳng có gì vui mấy. Quen bận rộn rồi. Cái viễn cảnh về một khoảng thời gian rảnh rỗi, an nhàn bỗng trở nên đáng sợ.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vẫn đúng. Ý mình là mình muốn có nhà đẹp và ấm.

Dec 6, 2012

1112


Đang ngồi học, không tập trung được, nên up cái này lên. Cũng có chỗ đúng, có chỗ không chắc lắm. Anw, just for fun. Học!

Ngày 11/12: Nhân mã 11/12 sinh ra đã có phong thái công tử nho nhã, ăn uống ngủ nghỉ đều không giống hạnh phàm phu tục tử. Tính tình thẳng thắn, vui buồn cáu giận đều thể hiện hết ra ngoài. Con người rất chăm chỉ với công việc. Họ cũng có tố chất sáng tạo, có khả năng nắm vững và phát huy sức sáng tạo của mình để giải quyết các vấn đề khó khăn.


Ưu điểm là sự cương nghị cứng rắn, nhưng trong cương nghị lại ẩn chứa sự dịu dàng mềm mỏng. Họ cũng đầy tham vọng trong công việc và cuộc sống.


Tuy nhiên họ mọi việc có lúc không như ý, có khi người khác không hiểu nội tình tâm lý Nhân Mã 11/12 mà có những hành động và lời lẽ không coi trọng, khiến Nhân Mã này buồn bã không thôi. Đó cũng chính là nhược điểm lớn nhất, tính tự ái.

Dec 2, 2012

hiver.

Mỗi khi tôi không biết mình phải làm gì và nghĩ gì (dù cho thực ra là đang có vài tỉ việc rất gấp cần phải làm), tôi lại lôi đống note cũ ra ngồi đọc. Thực sự, tôi viết khá nhiều. Đôi lúc, tôi đã từng nghĩ, nếu như tôi không viết, không chụp ảnh và không nấu ăn, thì tôi cũng chẳng tồn tại được. Ấy thế mà cũng có một giai đoạn, tôi không viết, không chụp và việc nấu ăn cũng diễn ra ở tần suất rất thưa thớt. Rõ là tôi vẫn sống, nhăn răng sống. Nhưng mỗi khi tôi đọc lại những note cũ của mình, tôi như lại nhìn thấy rõ hơn những góc khuất của mình, những gì mà tôi đã đang dần lãng quên.

Tôi chẳng bao giờ buồn vì chỉ có một mình. Tôi chỉ hay buồn vì một số đứa gọi là bạn mà tình tính với cách hành xử hãm tài. Dù là ở Việt Nam, ở Melbourne hay là ở London, tôi vẫn luôn có một thói quen đóng và khóa cửa phòng. Chỉ là cửa phòng bây giờ không khóa được nên đành chịu, nhưng cửa phòng luôn khép chặt gần như 24/7. Không cần biết là ở với ai, tôi rất cần một không gian riêng của mình, chỉ có mình mình, để trở về khi mệt mỏi, để buồn, để vui. Nói thật, tôi không thích tiếng người lắm. Nhà vách mỏng nên ai nói gì cũng đều nghe được, đứa nào nói xấu mình cũng nghe rõ mồn một, đứa nào làm ồn khi mình đang ngủ cũng nghe thấy, và kể cả đứa nào hát dở vcd mình cũng nghe thấy. Khó khó.

Nhân dịp ngày đông lạnh buốt óc và đọc lại note, post lại một đoạn thơ ngắn viết từ tháng 5 năm 2010. Hơn 2 năm rưỡi rồi chứ ít à. Sợ thật. Thời gian đúng là trôi nhanh hơn chó chạy. Nhớ nhà, nhớ Melbourne, nhớ quá.



Mùa đông và những nỗi nhớ
[vài dòng cho tôi của hiện tại và cũng là cho ai của những nơi xa xôi…]

Hà Nội 
Là gì? 
Phải chăng là con sông chảy giữa lòng thành phố?
Phải chăng là con người hối hả giữa dòng xe cộ? 
Phải chăng là những giấc mơ tuổi trẻ đã cạn dần về xa? 

Sớm nay 
Con gái 
Mở mắt nhìn trời sương trở lạnh 
Mở bàn tay đón ánh nắng rọi phòng 
Mở trái tim để lặng nghe lòng mình lắng 

Đâu đó
Thế giới này 
Nỗi nhớ trở dậy từ trong con 
Nỗi nhớ đem về cho Mẹ chút nỗi buồn nho nhỏ 
Nỗi nhớ cuốn con gái bé nhỏ khỏi mấp mé giá lạnh mùa đông

Cũng là một gió to, một nắng nhỏ
Cũng là sương mờ răng rắc áo len con gái 
Cũng là bàn chân buốt giá dưới cả vài lớp tất, lớp giày
Nhưng 

Tại sao 
Con không thấy mùa đông của yêu thương?
Con không thấy mùa đông của hạnh phúc?
Con chỉ thấy một mùa đông buồn và lạc lõng, Mẹ ơi!

Bát phở nóng sẽ còn chờ
Cây lộc vừng sẽ còn đợi 
Mẹ sẽ còn ngóng, còn trông 
Hà Nội sẽ còn mở rộng vòng tay
Cho một và nhiều những con gái và cả những con trai 
Trở về với đất Mẹ

Nhưng nước mắt đã trào, đã tuôn
Khi con thổn thức chợt nhận ra
Một điều nhỏ bé mà con gái bé nhỏ lại hay quên
Có một người không bao giờ còn đợi con về nữa 

Con nhớ Bà 
Và những sớm mùa đông bên Bà 
Không hối hả 
Như Melbourne hay Hà Nội của con…

Tập truyện ngắn: Những mẩu chuyện nhỏ nhặt (8)

[...Tình yêu không cứ nhất thiết là phải đi tới tận cùng. Và hạnh phúc cũng không nhất thiết phải là thực tại. Một dòng kí ức hay là một sự giả tưởng đều có thể làm nên hạnh phúc. Mà đã là hạnh phúc thì đều là thật, không thể là giả...]

Đứng trên đỉnh đồi, tôi nhìn xuống. Lòng mông lung, không cố định. Tôi không biết mình đã nghĩ gì và nhìn gì. Dưới kia là một khoảng trống vô tận. Những đám cỏ xanh ngắt, hết đám này nối liền tới đám khác. Tôi vẫn vốn biết chúng tách nhau ra thành từng cụm như vậy. Nhưng từ trên cao, tất thảy tôi có thể nhìn thấy chỉ là một chuỗi xanh mênh mông, bạt ngàn, không lối rẽ ngang. Đằng sau lưng tôi là ngọn núi nhọn hoắt, mà tôi không thể nhìn thấy sườn núi, tảng đá mà chỉ thấy cái chóp dựng thẳng đứng như muốn đâm thẳng tới trời xanh. Ngọn núi ở phía sau nhưng rất xa, rất xa. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ chạm tới được. Hoặc trừ khi tôi phải quyết tâm lắm, đi mãi, đi mãi, thì có một ngày tôi sẽ đi được tới nơi thật gần với ngọn núi đó, sẽ có thể trèo mãi, trèo mãi và có một ngày tôi sẽ chạm được tới đỉnh núi nhọn hoắt đó. Dù sao thì tôi cũng không muốn làm việc đó lắm. 

Có lẽ, việc tôi không muốn đi tới ngọn núi kia cũng giống như việc tôi không muốn đi tìm em. Ngày em đi, tôi buồn một chút, gục đầu xuống suy nghĩ một chút, tìm hỏi bạn bè em một chút, ngắm ảnh em một chút, và hình dung em một chút. Tất cả chỉ có vậy. Từ giây phút tôi biết em đã rời khỏi thế giới của tôi cho tới giây phút này, tôi chưa hề có ý định kiếm tìm em. Nếu có thì cũng chỉ là sự kiếm tìm về kí ức của tôi nơi em từng ở đó và hình ảnh em trong những giấc mơ. 

Em có đôi mắt rất đẹp. Đôi mắt hay chớp. Đôi mắt hay nhìn về một hướng xa nào đó ngoài kia. Những khi ngồi bên em, tôi vẫn hay thử thả tầm nhìn của mình vào một khoảng trống xa xăm, giống như em vậy. Rồi để đôi khi, tôi lại lén quay sang nhìn trộm em và nhận ra rằng đôi mắt của em vẫn kiên định hướng về khung cảnh bất tận phía trước, không đổi. Chỉ là em vẫn hay chớp mắt, chớp nhẹ như cánh bướm. 

 Tôi cũng chưa từng hỏi em rằng mỗi lúc ấy em nhìn gì và tại sao em lại nhìn điều đó lâu tới như vậy. Chỉ có duy một lần, sau nhiều giờ đồng hồ ngồi bên em, lặng nhìn ngắm đôi mắt em nhẹ nhàng chớp, nhẹ nhàng nheo lại nhìn mãi về hướng xa, tôi có hỏi em rằng liệu em có mệt không. Em không nói gì, chỉ nhoẻn miệng cười và ngả đầu dựa vào vai tôi. Đôi mắt em thoáng chớp nhưng vẫn không hề dịch chuyển. Em không hề nhìn tôi vào cái khoảnh khắc ấy. Dù chỉ một giây. Sau này khi em ra đi, tôi nhận ra rằng, em chưa bao giờ nhìn về hướng tôi giống như cách em nhìn về một hướng xa khuất tầm mắt kia. Chưa một lần. 

Ngày ấy, tôi và em vẫn hay đi trên những đám cỏ này, đi thật chậm, thật chậm. Đôi lúc, tôi và em nắm lấy tay nhau và bước đi, thật chậm, Cũng có khi, tôi và em dừng lại và ôm nhau và hôn nhau, thật chậm. Có lẽ cũng vì điều này mà từng mẩu kí ức trong tôi về em giống như những cuốn băng quay chậm, thật chậm. Chỉ có điều, những cuốn băng này lại có rất nhiều. Nhiều tới mức chúng khiến cho kho kí ức của tôi ngổn ngang, bừa bộn. Bừa tới mức tôi chẳng buồn dọn dẹp hay sắp xếp lại chúng nữa. Tôi chỉ có thể để mặc cho bản thân chìm ngập trong những hình ảnh và dòng ý nghĩ về em. Dù sao, tôi cũng không muốn dọn mình ra khỏi sự hỗn độn này. Ít nhất không phải là ngay bây giờ.

Khi em đi, em mang theo tất cả mọi hành lí mà em đã mang tới, và một chiếc áo sơ mi của tôi. Tất cả mọi thứ của em, em đều mang đi cả. Nhưng vì sao em lại cho mình cái quyền được mang đi chiếc áo của tôi nữa? Nếu tôi phải ghét em vì một điều gì đó, thì chắc hẳn sẽ chính là điều này. Em mang đi tất cả những thứ gì của em, không mảy may cho tôi cơ hội được nhìn thấy em, được chạm vào hình ảnh của em, được nhớ về em, được mong chờ em. Vậy mà em lại giữ lại chiếc áo của tôi, dáng dấp của tôi, hình ảnh của tôi, mùi hương của tôi, kí ức về tôi. Em đã quá ích kỉ rồi. 

Tôi đã từng trách em như vậy. Cũng chỉ là một cái cớ để tôi có thể trách em, giận em, hận em và thôi không yêu em quá nhiều. Nhưng tôi biết vì sao em làm vậy. Và tôi mỉm cười vì tôi biết vì sao em làm vậy. Khi em còn ở bên tôi, em vẫn thường giặt từng chiếc áo cho tôi, bằng tay. Em không dùng bột giặt mà dùng xà bông, loại mà tôi vẫn dùng khi tắm mỗi ngày. Khi tôi ngạc nhiên hỏi lý do, em bình thản mỉm cười: "Vì em thích mùi của anh, em muốn giữ mùi của anh trên từng chiếc áo anh mặc". Và em đã luôn gục đầu vào vai tôi, hít vào thật sâu và nhoẻn miệng cười.

Đôi khi, tôi mỉm cười với ý nghĩ rằng em đang ở một nơi nào đó, đôi mắt chớp liên tục nhưng kiên định nhìn về một hướng xa, với chiếc áo của tôi nằm gọn trong túi hành lí, em nhớ về mùi hương của tôi và sẽ nhỏe miệng cười. 




dansedansedanse.

i like writing more than speaking. i like singing more than drawing. i like thinking more than making. i like dancers more than singers. i like money more than boys. i like myself more than pretending to be nice. i like my imaginative life than my real life. i like being alone than being with people. i like my family more than friends. people asks then why am i doing graphic design. i don't know. i'm just doing it because i can't think of what else i could do right now. not that i can't do anything else but this is probably the best thing to do at the moment. maybe.

i just want to be happy. i don't hate anyone. i believe everyone has her/his good side. not everyone could see it but it's there. but it doesn't matter anyway. i don't like people either. i don't trust them. none of them. i can't even trust myself then why should i trust someone else. even those i love the most, they also lied to me, disappointed me, lots. this world is beautiful yet full of hatred.


Blog's Owner

just want to be a happy dolphin.