Dec 16, 2012

Tập truyện ngắn: Những mẩu chuyện nhỏ nhặt (9)

9. Mẩu chuyện số Chín 

[...Ai cũng nói hoa hồng rất đẹp và cũng rất thơm. Cô ta luôn luôn kiêu hãnh, tự hào vì điều đó. Để giữ gìn sự kiêu hãnh, tôn nghiêm của mình, cô ta chọn cách lạnh lùng xù gai nhọn. Người ta yêu thích cô bao nhiêu, thì cũng e dè, nể sợ cô chừng đó. Nhưng chẳng ai chịu hiểu rằng, gai đâm vào người họ đã đau, gai mọc trên người cô còn đau gấp vạn lần...]

Vở kịch nào rồi cũng có hồi kết. Sân khấu nào rồi cũng tới lúc phải hạ màn. Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Nhưng có những cuộc gặp gỡ lại ngắn ngủi quá đỗi. Ngắn ngủi tới nỗi, chưa kịp quen thì đã phải nói lời chào, chưa kịp chào hỏi thì đã hóa xa lạ. Nhiều năm trước, tôi cũng từng có một cuộc gặp gỡ như vậy. 

Khi ấy, tôi vừa mới hoàn thành xong khóa học của mình, chỉ còn đang chờ đợi tới ngày lễ tốt nghiệp và tấm bằng cử nhân. Lúc bấy giờ, tôi nổi tiếng là mẫu học sinh cần mẫn, tối ngày đèn sách. Nói cách khác thì tôi là một 'mọt sách' chính hiệu. Suốt 4 năm học đại học, dù cho các bạn học đôi lúc có rủ đi chơi đây đó hay tham dự những tiệc tùng, tôi đều luôn tìm cách từ chối, thoái thác. Mọi người sau dần cũng biết con người của tôi như vậy nên ít khi ngỏ lời rủ rê đàn đúm nữa. Nhưng kể cả đối với những dịp đi chơi chung với lớp hay tham gia những buổi họp mặt đơn thuần, tôi cũng rất e dè. Chỉ duy có hai lần, các bạn học thành công với việc 'áp giải' tôi đến với thế giới của tuổi trẻ. Lần thứ nhất là khi Mỹ Anh, cô bạn học khá thân của tôi, hết sức nhiệt tình mời tôi tới sinh nhật lần thứ 21 của cậu ấy. Lần thứ hai, cũng được coi là lần cuối cùng trong suốt 4 năm đó, là khi Mỹ Anh quyết đưa tôi đi xem vở nhạc kịch đầu tiên trong đời trước khi chúng tôi cùng rời khỏi giảng đường đại học. 

Vào thời điểm đó, một kẻ mọt sách như tôi, tới phim ảnh còn chẳng màng. Thế nên việc đi xem nhạc kịch là một điều gì đó to lớn lắm, được coi như là một quyết định cao cả lắm. Lúc ấy, không hiểu Mỹ Anh đã phải hao tổn biết bao công sức mới có thể thuyết phục được 'bà cô già' là tôi, đi xem nhạc kịch cùng cậu ấy. Vì lúc bấy giờ, cả hai chúng tôi vẫn còn đang là sinh viên, cái gì cũng cũng thiếu, mà nhạc kịch thì đã vốn nổi tiếng là bộ môn xa xỉ. Cả hai chúng tôi đã phải chi tiêu tiết kiệm trong suốt mấy tháng sau đó để coi như là bù lại món quà tốt nghiệp đắt đỏ này. Dĩ nhiên, chúng tôi chẳng bao giờ than phiền vì điều đó. Buổi biển diễn quá tuyệt vời. Chính từ lần đầu tiên được tiếp xúc với hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, sau này tôi càng hứng thú với nhạc kịch. Nhiều năm sau, mỗi khi có dịp, tôi lại thường lui tới những sân khấu khác nhau, xem những vở nhạc kịch khác nhau, hoặc xem lại một vở nhạc kịch mà tôi đã thuộc lòng. 

Buổi diễn hôm đó liệu có thực sự đặc biệt với Mỹ Anh hay không thì tôi không rõ. Nhưng đối với tôi, câu chuyện xảy ra tối hôm đó không chỉ là câu chuyện của những nhân vật trên sân khấu, mà còn có một câu chuyện bên lề mà bao năm nay tôi vẫn nhớ như in, từng chi tiết, từng chút, từng chút một. 

Tối hôm đó, tôi và Mỹ Anh hẹn nhau 7 rưỡi sẽ có mặt trước cửa nhà hát để kịp cho buổi biểu diễn bắt đầu lúc 8 giờ. Vẫn như thường lệ, tôi tới sớm 5 phút và chờ cậu ấy, dù cho trong lòng đã biết trước cậu ấy sẽ để tôi chờ lâu hơn 5 phút này. 10 phút trôi qua, cậu ấy vẫn chưa tới, tôi đi loanh quanh khu vực trước cửa nhà hát, liên tục đưa tay lên nhìn đồng hồ. Không phải bởi vì tôi suốt ruột, bởi vì tôi biết cậu ấy quá rõ rồi, đâu cần phải nóng ruột nữa. Tôi chỉ là muốn thể hiện rõ ra rằng tôi đang đợi người tới, chứ không phải là một con ngốc đang đi lang thang một mình. Thực ra, chẳng ai có đủ thời gian nhìn tôi và suy đoán nhiều đến vậy, chỉ là tôi của ngày ấy cứ luôn bất an về việc người ta nghĩ gì về mình. Sau này nhìn lại, tôi thấy việc đó mới khiến tôi trông giống như một con ngốc.

Rồi 20 phút trôi qua, cô bạn quý hóa của tôi vẫn chưa ló mặt. Dù sao thì cũng còn 15 phút nữa cho tới khi buổi diễn bắt đầu, tôi vẫn thong thả chờ đợi. Đang mải nhìn chiếc đồng hồ, đếm tới đếm lui theo kim giây, tôi bước ngang qua cửa ra vào chính của nhà hát. Tôi còn chưa kịp nhận ra mình đang cản đường đi lối lại, một vóc dáng cao to với chiếc áo len đỏ đun đã chạy lướt qua mặt, có một cái gì đó va mạnh vào vai tôi và sau đó là tiếng xin lỗi rối rít ở phía sau lưng. Một giọng nam nhẹ nhàng, nghe rất trẻ, cứ hỏi tới hỏi lui: "Xin lỗi. Mình xin lỗi. Cậu không sao chứ?". Tôi không quay lại, chỉ hơi nghiêng người về phía sau và khẽ lắc đầu: "Không. Không sao cả.". Tôi không nhìn thấy rõ mặt người này, chỉ biết là rất trẻ. Nghe tôi nói xong, người đó không nói gì nữa, nhưng hình như đã thoáng cười, cúi đầu chào và sau đó tiếp tục chạy vào bên trong nhà hát. Lúc đó, tôi đã nghĩ, đây là một người tốt. 

Cuối cùng thì sau phút thứ 25 để tôi thơ thẩn một mình trước cửa nhà hát, Mỹ Anh cũng đã tới. Cậu ấy vừa thở hổn hển, vừa rối lên xin lỗi, vừa kéo tay tôi chạy vào trong để cho kịp giờ diễn. Khi chúng tôi bước vào bên trong, khán phòng đã được tắt hết đèn. Phải nhờ tới sự trợ giúp của chú bảo vệ cùng chiếc đèn pin, chúng tôi mới có thể mò tới được chỗ ngồi của mình. Hầu hết các ghế đã kín người ngồi. Vị trí của tôi và Mỹ Anh cũng thật hiểm trở, ở ngay góc trong cùng, phải đi qua hết bao nhiêu ghế đã có người ngồi kia mới tới được chỗ của chúng tôi. Vừa nói xin lỗi, chúng tôi vừa nhanh chân bước qua hết cả dãy ghế dài. Vừa kịp ngồi xuống hoàn hồn, tôi đặt túi xuống bên cạnh, quay sang bên phải thì đã giật mình. Chính là chiếc áo len đỏ đun tôi mới gặp trước cửa ban nãy, chính là người đó, đang ngồi ngay bên cạnh tôi bây giờ. Người đó có lẽ cũng đã nhìn ra rồi, mới bình thản quay sang, mỉm cười, gật đầu chào: "Thật có duyên". Tôi không nói gì, chỉ khẽ gật đầu rồi quay về phía Mỹ Anh mỉm cười.

Lúc ấy đang là tháng 12, ngoài trời rất lạnh, nhưng bên trong nhà hát có máy sưởi hoạt động, có cả giàn đèn lớn, lại có cả hàng trăm khán giả ngồi chật kín phía dưới nên cảm thấy rất nóng là chuyện đương nhiên. Nhưng tôi lại có thói quen chỉnh tề, dù ngồi đâu cũng ít khi cởi bỏ áo khoác. Mỹ Anh cởi áo ngoài xong thì quay sang nhắc tôi cũng cởi bớt áo ra vì buổi biểu diễn sẽ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Thấy cậu ấy nói có lý, tôi đành nghe theo và đứng lên cởi chiếc áo khoác dạ của mình. Vừa bỏ áo xuống, tôi đã nghe thấy tiếng 'keng' gõ xuống sàn nhà. Tôi vội vã kiểm tra lại túi áo khoác thì phát hiện ra chiếc chìa khóa phòng đã không còn ở đó nữa. Vậy là tôi biết chắc chiếc chìa khóa quý giá của tôi đã rơi ra ngoài. Hoảng hốt, tôi đành quay sang nói với cô bạn của mình. Chúng tôi vừa cúi người xuống, vừa cố nheo mắt, vừa chạm tay xuống sàn, hi vọng sẽ chạm được vào chiếc chìa khóa vừa mới rơi ra. 

Đèn phía dưới khán phòng đã được tắt hết. Tiếng nhạc bắt đầu vang lên. Buổi biểu diễn bắt đầu. Hai chúng tôi thì vẫn mò mẫm dưới sàn nhà. Không thể nhìn thấy gì nữa, chúng tôi đành chịu trận, bỏ đó rồi chờ đèn sáng lại sẽ tính tiếp. Nhân vật người tốt ngồi bên cạnh thấy vậy, quay sang hỏi: "Cậu tìm gì sao?". Vẫn là thái độ lạnh lùng, tôi trả lời trỏng trơ: "Chìa khóa". Người đó vội cúi người xuống, cũng quay qua quay lại, chạm tay xuống sàn để thử tìm kiếm. Rồi người đó quay lên, hỏi tôi chìa khóa rơi lúc nào và liệu tôi tìm kĩ trong túi hay chưa. Vì không muốn ảnh hưởng tới những người cùng xem và tới tâm trạng được xem nhạc kịch lần đầu của mình, tôi vội nói với người đó: "Thôi, cậu không cần tìm giúp mình đâu. Chút nữa, khi đèn sáng, mình sẽ tự tìm. Có lẽ sẽ thấy". Người đó gật đầu, mỉm cười và 'ừ' một tiếng hết sức nhẹ nhàng.

Suốt 3 giờ đồng hồ, ngoài vở nhạc kịch, có hai thứ khiến tôi không thể không nghĩ tới. Một là chiếc chìa khóa phòng hiện đang mất tích. Hai là nhân vật người tốt ngồi kế bên. Do khán đài của chúng tôi ở phía bên tay trái, nên khán giả phải hướng về bên phải mới có thể theo dõi được vở diễn. Mỹ Anh quay sang bên phải, tôi quay sang bên phải và người đó cũng nhìn về bên phải. Nói cách khác, tôi có thể cho mình cái quyền khi hướng mắt về sân khấu, thi thoảng nhìn về phía người đó một chút, để có thể biết thêm một chút. Nhưng người đó lại không có quyền này, dù cho đôi khi, tôi biết có người nghiêng cổ về phía sau hơi quá nhiều. 

Người đó đi một mình. Nhìn đi nhìn lại, rõ ràng là rất trẻ. Có lẽ là bằng tuổi tôi hoặc có khi là còn kém tôi 1, 2 tuổi. Vậy nên, sau này tôi mới nhắc về nhân vật này và gọi là cậu ta. Vì quả thực là rất trẻ. Nhờ vóc dáng và cách ăn vận mà tôi mới nghĩ rằng tuổi cậu ta trạc tuổi tôi. Nếu chỉ dựa vào giọng nói và cách ứng xử, tôi sẽ nghĩ cậu ta còn trẻ hơn tôi nhiều nữa. Cậu ta không chỉ có giọng nói hết sức nhẹ nhàng, mà khuôn mặt và nụ cười cũng hết sức hiền lành. Hiếm khi tôi gặp một người mà khiến cho người khác cảm thấy giản đơn, trong sáng tới vậy. Quả thực là ấn tượng rất tốt. Từ đầu tới cuối vở diễn, cậu ta cũng vỗ tay rất nhiều và luôn có vẻ là đang vỗ tay hết sức mình. Với tôi, đây chính là một biểu hiện của 'người tốt'. Nụ cười tươi và những tràng pháo tay thể hiện sự trân trọng của cậu ấy dành cho những người nghệ sĩ, và cũng khiến tôi thêm trân trọng một vị khán giả như vậy. 

Vở nhạc kịch rồi cũng kết thúc. Khán giả ai nấy cũng đứng dậy, vỗ tay tán dương những người diễn viên đang cúi đầu chào khán giả. Từng chiếc rèm được hạ xuống ở phía trên sân khấu. Đèn được bật sáng trở lại ở phía dưới khán đài. Mọi người bắt đầu ra về. Chúng tôi thì bắt đầu cúi xuống sàn nhà để tìm chìa khóa. Chúng tôi là bao gồm cả cậu ta nữa. Tìm quanh cả dãy ghế cũng không ai thấy bóng dáng của chiếc chìa khóa đâu. Tôi đành liều nhảy xuống hàng ghế trên. Vừa cúi xuống thì đã nhìn ngay thấy chiếc chìa khóa quen thuộc. Tôi mừng rỡ không nói được gì, toan nhảy lên dãy ghế dưới để lấy đồ ra về thì mới phát hiện ra cần có điểm tựa mới nhảy lên được. Chưa kịp nói gì, tôi vừa ngẩng đầu lên, đã thấy cả Mỹ Anh và cậu ta đều đưa tay cho tôi đỡ lấy. Tôi quay sang nhìn nhân vật người tốt, suy nghĩ một giây, rồi nắm lấy tay Mỹ Anh, lấy đà nhảy lên. 

Chúng tôi gần như là những người cuối cùng rời khỏi nhà hát. Vừa đi, chúng tôi vừa trò chuyện. Thực ra, chủ yếu là cậu ta và Mỹ Anh trò chuyện rôm rả. Vì ngay khi cậu ta hỏi chúng tôi từ đâu tới, đã phát hiện ra hai người bọn họ ở cùng một vùng, có thể nói tiếng địa phương mà tôi gần như không thể hiểu nổi. Mãi khi ra khỏi nhà hát, cậu ta mới biết tôi không hiểu tiếng địa phương của họ nhiều, đành nói câu xin lỗi và hỏi chuyện tôi:

_ Hai cậu học chung một lớp sao?
_ À không. Cậu ấy học Kiến trúc. Mình học Ngôn ngữ học. Còn cậu? Ngành gì vậy?
_ Mình học Kinh tế học.
_ Ồ. Vậy ra là nhà kinh tế học trong tương lai sao? Năm mấy rồi? 
_ Mình đang học năm 3. Còn hơn 1 năm nữa mới ra trường. Cậu thì sao? 
_ Sắp tốt nghiệp rồi. Vậy cậu bao nhiêu tuổi?
_ 22 rồi. Đáng lẽ năm nay cũng tốt nghiệp nhưng mình học chậm một năm. 
_ Vậy là bằng tuổi. Sinh tháng mấy vậy? 
_ Tháng 7. 

Tôi chỉ mỉm cười, không nói thêm gì nữa. Dù cho, sau câu trả lời 'tháng 7', cậu ta nhìn tôi hồi lâu, thoáng cười, có lẽ là chờ đợi vì muốn biết lý do vì sao tôi lại hỏi tháng sinh. Thực ra, tôi cũng chẳng có lý do gì đặc biệt. Chỉ là muốn biết tôi lớn hơn hay trẻ hơn cậu ta. Và bởi vì khi nghe câu trả lời rồi, biết rằng mình trẻ hơn rồi nên chẳng còn gì để nói nữa. 

Đoạn đường sau đó, chúng tôi cùng nhau đi tới trạm xe buýt, nơi tôi và Mỹ Anh sẽ bắt xe để trở về nhà. Cũng đoạn đường sau đó, chúng tôi nói những gì với nhau, tôi cũng không thể nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ rằng, tôi không nói nhiều nữa, cả Mỹ Anh và cậu ta cũng không nói nhiều nữa. Ba người chúng tôi rảo bước trên đường vắng và thi thoảng lại hỏi nhau vài câu vu vơ. 

Khi tới trạm xe buýt, tôi vờ như không thấy cậu ta, lập tức quay sang hỏi Mỹ Anh xem chút nữa sẽ nấu món gì cho bữa khuya. Cậu ta có lẽ chẳng tìm được lý do nào để đứng lại nên nói lời chào với chúng tôi: "Ừm...mình sẽ đi thẳng từ đây về tới nơi mình ở. Chúc các cậu may mắn với bài...". Chẳng để cho cậu ta nói hết câu, tôi đã lạnh lùng nói một câu chẳng ăn nhập gì: "Ừ. Chào. Gặp lại sau.". Rõ ràng là chẳng ăn nhập, vì tôi chẳng hỏi tên, chẳng hỏi số điện thoại, chẳng hỏi cách liên lạc, vậy mà lại nói dõng dạc ba chữ: "Gặp lại sau". Có lẽ cậu ta cũng thấy tôi thật ngớ ngẩn nên mới cười ngượng ngùng, chào chúng tôi một lần nữa, rồi quay lưng bước đi. Tôi cũng không nhìn theo cậu ta, mà vẫn nhìn về hướng Mỹ Anh tiếp tục câu chuyện dở dang. Vừa kịp lúc xe buýt tới, tôi quay đầu lại một lần duy nhất, nhưng không còn nhìn thấy bóng người nữa, chỉ còn kịp mấp máy môi mấy chữ: "Gặp lại sau". 

Suốt buổi tối hôm đó, tôi cứ có cảm giác tiếc nuối một chút, hụt hẫng một chút. Có lẽ là đau lòng, mà lại không dám cho phép một chuyện nhỏ nhặt như vậy làm mình đau lòng, nhưng dù có cố gắng vẫn cảm thấy thoáng khẽ đau lòng. Sau này, tôi biết rằng bản thân lúc đó đã rung động nhưng lại không dám thể hiện, dù chỉ là một chút. Vì vậy nên đành che giấu bằng cách trở nên đóng băng cảm xúc, tỏ ra không quan tâm, không hào hứng, không thích thú một chút, một chút nào. Bao nhiêu năm, tôi vẫn cố tìm đủ mọi lý do để bao biện cho việc đã không thật với lòng hơn một chút, đã không thân thiện hơn một chút, đã không giữ liên lạc với cậu ta. 

Trước đây, tôi luôn tin vào duyên số và an bài. "Hữu duyên thiên lý, năng tương ngộ. Vô duyên đối diện, bất tương phùng". Chính là câu này, tôi vẫn nói đi nói lại rất nhiều. Nhưng có một điều, tôi của nhiều năm trước không hề biết, đó là duyên phận có thể đến thì cũng có thể đi. Nếu như ta không thể nắm giữ được duyên phận đến với mình, thì việc điều đó ra đi là tất yếu. Tôi của ngày ấy luôn nghĩ rằng, thế giới này thật tròn, ai cũng biết ai, ai cũng có thể gặp ai. Nhưng có một điều, tôi của ngày ấy không hề biết, đó là thế giới này cũng rất rộng lớn, một khi người ta quay lưng, bước đi thì sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. 

Sau rất nhiều năm, mỗi lần nhắc lại câu chuyện này, tôi lại có chút cảm giác của thời điểm đó. Chính là một chút tiếc nuối, một chút hối hận, một chút hụt hẫng. Thực ra, tôi nghĩ rằng, trong đời ai rồi cũng sẽ có, sẽ cần một nhân vật như vậy. Một nhân vật đủ khiến người ta nhận ra là đã để vụt mất một cơ hội mong manh ngay trước mắt, đã để cho sự rung cảm đẹp đẽ trôi qua trong chớp mắt. Một nhân vật khiến cho người ta phải trân trọng hơn mỗi điều cuộc sống đem đến cho mình, phải nâng niu hơn những điều mình đang có, và phải thật lòng đưa tay ra nắm lấy hạnh phúc của riêng mình. 

No comments:

Post a Comment

Blog's Owner

just want to be a happy dolphin.