Vẫn là cái cảm giác có quá nhiều thứ để lo nghĩ, có quá nhiều thứ để viết ra. Nhưng mà thôi, viết được tới đâu hay tới đó vậy.
Có một dạo, tôi viết rất nhiều, truyện vui có, truyện buồn cũng có. Có người bảo rằng tôi viết truyện vui hợp hơn truyện buồn. Tôi cũng coi đó là lời khen 'đắng'. Có lẽ, cái đó là bản năng sống. Việc này cũng giống như, có khi đang mệt mỏi thở dài não nuột ở một góc nào đó, chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân, thì sẽ lập tức đứng dậy, gạt nước mắt, nhảy ra trước mặt người đó, cười toe toét và nói mấy lời trêu chọc. Cũng giống như việc, tôi tự cảm thấy bản thân hợp với việc nói mấy lời mạnh mẽ, cao ngạo hơn là những lời mềm yếu thật lòng. Một phần bởi vì, bản năng của tôi không cho phép bản thân mình được trở nên yếu đuối trước mặt người khác. Một phần khác là bởi, tôi lo sợ rằng mọi người sẽ không thích con người của tôi trở nên như vậy. Thì vốn dĩ, người ta cũng đã thích truyện vui hơn truyện buồn rồi cơ mà. Có lẽ, tôi đúng là chỉ hợp những việc vui vẻ như vậy, không được phép buồn bã.
Cũng lâu lắm rồi, tôi không viết gì mấy, không nói năng gì trên blog cá nhân, không ghi chép nhiều trong cuốn sổ tay kề bên người. Trước đây, có những thời điểm, tôi viết mỗi ngày, tiếng mẹ đẻ, tiếng mẹ nuôi gì gì cũng được sử dụng triệt để. Hết viết lan man tâm sự, lại viết tới truyện ngắn rồi truyện dài. Vào một khoảng thời gian nào đó, tôi đã từng cảm thấy như viết lách là hoạt động duy trì nguồn sống. Rồi thì ai cũng biết, tôi càng lúc viết càng ít. Mỗi lúc bế tắc, thay vì tập trung nhìn vào vấn đề và để rồi cứ viết hết ra, tôi lại tìm cách trốn chạy bằng cách vùi đầu vào những công việc (tương đối) vô ích khác. Những việc kiểu như xem phim dài tập, đọc tiểu thuyết nhiều chữ-ít tình tiết, hoặc ngắm mây trôi trong khi nghe đi nghe lại 'Let it die' sầu thảm đến vài trăm lần. Và mỗi lần như thế, dù có biện minh đi thế nào chăng nữa, tôi cũng thừa hiểu là việc đọc hết 375 trang của một cuốn tiểu thuyết ngôn tình cũng chẳng làm tôi thấm thía những sự vụ luẩn quẩn trong đầu mình là mấy. Ừ thì thế, nhưng mà tôi vẫn phải đọc, vẫn phải xem, vẫn phải nhắm mắt, bịt tai mà chạy trốn những dòng suy nghĩ rối bời cùng những áp lực quá đỗi ngổn ngang.
[Tôi ghét phải nghĩ, mình phải trở nên thành công, phải làm được cái này và cái kia. Ngay bây giờ, tôi chỉ muốn sống một cuộc đời cho riêng mình. Sau này, tôi muốn có một căn gác mái với cái cửa sổ trên trần, những cuốn sách vứt lăn lộn mỗi góc một cuốn, những mảng màu vẽ nằm trên sàn gỗ, những thùng mỳ tôm xếp chật tủ bếp, những miếng vải và những bộ quần áo vẫn còn đang dở dang tay cắt...Và lúc ấy, tôi sẽ tự pha một cốc hot choc, bật chiếc tivi màu 21 inch kiểu cũ lên và xem Breakfast at Tiffany's.]
Những dòng trên xuất hiện trong một cái note được tôi viết vào ngày 15 tháng 8 năm 2010. Tính qua loa thì cũng đã 3 năm rồi. Thời gian quả là trôi nhanh hơn chó chạy ngoài đồng. Tôi nhớ rằng, mình đã mất rất lâu để có thể tạm thời gấp gọn gàng những suy tính của mình và để tạm quyết định việc mình sẽ làm và nơi mình sẽ đi vào thời điểm đó. Mỗi khi đọc lại những dòng này, tôi lại có chút ngạc nhiên, một chút thán phục với bản thân khi viết ra những dòng đó. Thực sự là tôi đã nghĩ như vậy sao? Thực sự là tôi của ngày đó đã (chỉ) muốn như vậy sao? Thực sự là tôi đã từng cương quyết với giấc mơ của mình như vậy sao? Thế thì hẳn là, tôi của bây giờ đã quá yếu đuối, quá bé nhỏ rồi. Dĩ nhiên, 3 năm không phải một khoảng thời gian ngắn ngủi, có quá nhiều chuyện đã xảy ra. Nhiều tới nỗi, không có bất cứ một ai trong cuộc đời tôi có thể biết được phân nửa những mệt mỏi, buồn bã và áp lực đã từng ghé đi ghé lại cuộc sống của tôi trong những năm tháng này. Ừ nhưng mà thôi, biết rồi để mà làm gì, đến tôi còn chẳng muốn biết chuyện của mình, thì đâu cần ai khác phải biết thêm. Thực ra, chỉ cần có ai đó, để tôi có thể thở dài một cái và nói một câu thật lòng rằng tôi đang mệt mỏi. Thế là đủ lắm rồi.
Nhiều lúc tôi nghĩ, bản chất tiết kiệm mang chút 'đồng nát' của tôi có lẽ là một phần lý do để cho tôi thêm phần đau đầu. Tiêu xài tiết kiệm thì hẳn là tôi đã quá được 'tiếng' trong đám bạn bè. Nhưng đến cả những thứ như giấy gói quà, tờ tiền mừng tuổi của đứa bạn cũ, chiếc điện thoại cục gạch 5 năm rồi không dùng nữa, tôi cũng giữ đến bây giờ. Là bởi tôi trân trọng mỗi vật dụng, mỗi ý nghĩa, mỗi kỉ niệm, mỗi câu chuyện đi kèm theo những vật dụng đó. Nhưng, nhiều lúc chẹp miệng nghĩ lại, tôi tự hỏi mình, liệu như vậy có phải là nặng lòng quá hay không? Cũng mang tinh thần này vào việc sử dụng máy ảnh phim, một cuốn phim 36 kiểu mà tôi cứ e dè, chụp tới cả năm mới hết. Có lẽ, tôi nên bắt đầu hiểu ra rằng "phim cũng như tuổi trẻ ấy, đều dùng để lãng phí mà"!