Truyện ngắn dưới đây là truyện số 2 nằm trong tập truyện ngắn “Những mẩu chuyện nhỏ nhặt” đã được đăng trên trang facebook cá nhân tới số thứ 7 hoặc 8 gì đó. Truyện đã được viết ra cỡ chừng gần 2 năm về trước. Chính bản thân người viết cũng không thể nhớ chính xác ngày tháng, nhưng đoán chừng là từ khoảng cuối năm 2009. Bởi dạo đó, tôi viết rất nhiều, thực ra sau này viết vẫn nhiều, nhưng hầu như là những dòng tâm sự, chứ rất ít truyện dài, truyện ngắn. Đã đọc đi đọc lại truyện này rất nhiều lần nhiều lượt, nhưng không hiểu sao, lần này nước mắt vẫn lăn dài lắn ngắn. Qủa là tâm hồn người viết. Cái tâm hồn mỏng manh, dễ vỡ vẫn mãi xót thương cho những đứa con tinh thần của mình, những nhân vật trong truyện và những nhân vật tương tự trong đời.
Tập truyện ngắn: Những mẩu chuyện nhỏ nhặt (2)
Mẩu chuyện số 2 và Lời nhắn từ người viết
Đây là câu chuyện thứ 2 trong tuyển tập truyện ngắn mang tên “Những câu chuyện nhỏ nhặt này”. Không biết cách nghĩ của mọi người về truyện tôi viết ra sao và cách đọc, cách đánh giá của mọi người như thế nào. Song, riêng truyện hôm nay tôi viết: “Mẩu chuyện số 2”, tôi mong chờ một cách đọc khác. Hoặc nói thẳng thắn ra rằng, nếu quý vị đã không định đọc và đọc cho hết, và đọc để hiểu, thì đừng bắt đầu. Vâng, xin đừng bắt đầu nếu không có dự định đọc và đọc hết.
Đây là lần đầu tiên, tôi viết ra một câu chuyện mà nước mắt tôi chảy cho nhân vật từng dòng, từng chữ một. Đừng vội bàn cô bé Mũm ở đây là ai, đừng vội bàn câu chuyện này là thật hay hư cấu, đừng vội bàn đây là quá khứ hay hiện tại…Hãy xem nó như một câu chuyện hay một truyện chữ, bất kể, hãy đọc để nhìn thấy cuộc sống của trẻ thơ đâu hẳn đã là đơn giản. Những đứa trẻ có nỗi lo của những đứa trẻ, và, đôi khi, một số đứa trẻ còn phải mang theo nỗi lo thật người lớn.
2. Mẩu chuyện số Hai
Xin kính chào các ông – các bà, các bác – các cô – các chú, các anh – các chị và các bạn. Mình tên là Mũm. Năm nay mình 4 tuổi, cơ mà, đấy là mẹ mình bảo mình thế, chứ mình không biết mình sinh năm nào đâu nhé. Mọi người đừng hỏi, Mũm chịu. Hôm nay, Mũm muốn kể cho tất cả mọi người câu chuyện của Mũm, câu chuyện của tuổi lên tư, của ngày đi mẫu giáo nhỡ, của ngày còn được sờ tí mẹ.
Mũm năm nay 4 tuổi, 4 tuổi không êm đềm.
Mũm không béo tròn như cái tên của Mũm đâu nhé. Mũm rất ư là “còi, quắt và lắt nhắt” là đằng khác, nếu như dựa theo những gì bố mẹ với cả chị gái Mũm bảo. Năm nay hình như là năm thứ 2 Mũm đi trường mầm non, Mũm cũng chỉ nhớ mang máng thế thôi. Còn nếu ai muốn biết thêm chi tiết, thì về nhà hỏi mẹ Mũm nhé.
À nói đến mẹ Mũm í, mẹ Mũm thì đúng là mũm thật luôn nhé. Mẹ Mũm hiền lắm, mẹ Mũm giản dị lắm, người ta, ai ai cũng bảo nhìn mẹ Mũm là biết người phúc hậu. Thật đấy, mẹ nấu ăn ngon cực kỳ kỳ cục luôn. Món gì mẹ cũng biết nấu, con gì mẹ cũng biết làm. Ý Mũm là đâu phải ai cũng biết cách làm tôm này, cá kia đâu. Làm khó lắm chứ, đừng tưởng là dễ nhé, nhà hàng làm mà con tanh ơi là tanh í, khiếp chết, Mũm ghét cực. Chỉ có mỗi mẹ Mũm, bố Mũm với cả ông nội Mũm biết làm thôi.
Sau này lớn lên, Mũm sẽ bảo mẹ dạy Mũm làm nữa vì mẹ bảo với Mũm cái gì mà, mà, hạnh phúc của một người phụ nữ, tức là những người như mẹ và như Mũm sau này í, là được nhìn thấy những người thân yêu của mình được hạnh phúc bởi những điều mình làm ra, tức là những người như bố, chị với cả Mũm đấy mà. À, mẹ còn bảo là, một trong những cách thể hiện tình cảm ý nghĩa nhất đối với gia đình đấy là các món ăn nữa. Mũm cũng thích thế đấy, nghe ý nghĩa chết được. Mà Mũm thấy cũng đúng, vì Mũm rất “hạnh phúc” mỗi khi đi lớp về được ăn canh khoai sọ nấu sườn hay khoai tây ninh với thịt bò
…Ơ mà, Mũm cũng chả biết hạnh phúc là gì đâu nhé, nhưng Mũm nghĩ hạnh phúc nghĩ là thấy vui với cả buồn cười. Đúng mà. Mũm xem phim truyền hình nhiều tập có cái cô tiếp viên hàng không gì gì í, cô ấy bảo thế.
À mà lại nói đến phim đấy, dạo này bố mẹ không cho Mũm xem, toàn bắt đi ngủ sớm. Mũm lại không được “hạnh phúc” cho lắm rồi. Mà chết, Mũm lại quên mất chủ đề chính rồi, thôi nào, để Mũm quay lại câu chuyện nhé, nhé, nhé.
Hôm nay, Mũm lại phải đi lớp rồi. Mũm ghét đến lớp lắm, Mũm ghét cô giáo, Mũm ghét bọn trẻ con, Mũm ghét cái cảm giác phải ở đấy một mình. Gần 2 năm đi học rồi, Mũm chả có bạn nào cả, Mũm buồn lắm. Cô giáo cũng ghét Mũm.
Hôm trước, Mũm bị dị ứng ở mũi, thế là nó bị sưng lên một cái nốt to đùng. Mũm cũng sợ với cả đau lắm í. Mà Mũm thì chúa ghét bị vướng víu nhé, nhưng mà, năm nào Mũm cũng bị như thế tầm 2 lần gì đấy. Mũm biết thế mà, mẹ Mũm bảo. Cũng không biết, nhưng dạo này, mẹ cứ hay ôm Mũm vào lòng xong bảo mấy câu gì gì í: “Mẹ thương Mũm của mẹ lắm. Sau này mẹ đắp hết may mắn của mẹ cho con nhé” xong rồi mắt mẹ cứ rơm rớm. Mũm hỏi thì mẹ cứ chối quanh nào là, đâu, bụi nó rơi vào mắt. Eo ơi, rõ là bắt chước phim truyền hình, Mũm xem mãi rồi, không đời nào tin đâu.
À mà về cái vụ bị dị ứng đấy, hôm đó, lúc Mũm đến trường, mẹ Mũm có nhờ cô giáo là nhờ nhà bếp làm cháo cho Mũm thay vì ăn cơm. Mẹ sợ Mũm đau mũi không ăn được nên phải thế. Mà thường thì, đứa nào ốm mà chẳng được ăn cháo, Mũm cũng thích được ăn. Thế xong rồi, cô giáo nói gì với mẹ thì Mũm cũng không nhớ. Mũm chỉ biết, lúc mẹ nhờ cô, nhìn mẹ cứ bị nhỏ bé thế nào í. Cũng không biết, nhưng mà Mũm buồn lắm, thấy thương mẹ lắm, tại sao mẹ phải nhờ vả người ta để rồi người ta ra vẻ, vênh mặt thế kia. Vì Mũm á? Mũm không cần. Mũm ghét đứa nào bắt nạt mẹ. Bất kể ai bắt nạt mẹ đều chỉ là “đứa” với Mũm thôi.
Lúc đấy, nhìn thấy thế, Mũm tức lắm, Mũm khó chịu lắm, nhưng mà Mũm hèn, Mũm chẳng làm gì được, chỉ biết quay lưng đi giả vờ như không thấy, rồi chờ mẹ đi ra khỏi cửa thì nhìn theo bóng mẹ lủi thủi như thế. Mũm không khóc, 4 tuổi của Mũm chẳng có chút nước mắt nào. Bởi lẽ, Mũm tin một bậc “chính nhân quân tử” thì chẳng thế nào nhỏ lệ dễ dàng được, dù cho Mũm chỉ là một con nhóc nhạy cảm tuổi lên 4 thế thôi.
Mà cũng chẳng chỉ có thế, lúc cô vào lớp, cô nhìn và bảo, à không, cái “đứa” đấy dám nhìn vào cái chỗ bị dị ứng của Mũm xong bảo: “Mẹ cô lại đưa tôi cái của nợ gì thế này?” Mũm không nói gì, chỉ nhìn cái “đứa” đấy như thế thôi. Mẹ Mũm dạy rồi, dù bất kể thế nào, Mũm cũng không được phép cãi lại người lớn tuổi. Và Mũm yêu mẹ lắm, Mũm không muốn mẹ buồn. Mũm cũng nghĩ là, nếu bây giờ Mũm nhảy dựng lên và đấm thẳng vào mặt cái “đứa” kia thì cũng chẳng với tới, nên thôi. Mũm sẽ chỉ ngồi yên và phù phép trong đầu thôi, phù phép cho cái “đứa” kia xéo ra chỗ khác nhanh nhanh lên, Mũm ngứa mắt lắm rồi đấy nhé. Mũm 4 tuổi thôi, nhưng động vào mẹ Mũm í mà, thì không thể chấp nhận được. Chỉ tại mẹ Mũm hiền, toàn bị bắt nạt. Nhưng mà, thực ra, Mũm cũng thế…
Năm ngoái thì Mũm chẳng chơi với ai cả, còn năm nay, Mũm có vài đứa ngồi ăn cùng, nhưng không phải để chơi cùng mà là để bắt nạt Mũm. Buổi chiều nào cũng thế, cứ ngủ dậy, Mũm và bọn trẻ ở đây được ăn bữa “xế”, thường thì là sữa chua, caramen, bánh ngọt với cả chuối, cốm gì gì đấy.
Cái bàn ngồi ăn hình vuông nhé và có bốn cái ghế xung quanh. Mũm luôn ngồi một trong bốn cái đấy. Còn ba cái còn lại là dành cho ba đứa bé gái khác hết sức to khỏe. Còn Mũm, Mũm được xếp vào hàng “suy dinh dưỡng” trong đợt khám sức khỏe tháng trước ở trường. Bữa xế nào cũng thế, bọn nó bắt Mũm bỏ hai bàn tay lên bàn để bọn nó thi nhau cấu. Bọn nó dùng hết sức đẩy vào ngón tay để cấu hai bàn tay toàn xương của Mũm. Mũm á, Mũm đau chết được, đau lắm, đau lắm í, mẹ ơi…Nhưng mà Mũm chẳng bao giờ kể với ai cả. Mũm không kể cả khóc, kể cả kêu đau. Vì Mũm bảo rồi, một bậc “chính nhân quân tử” thì không đời nào rơi lệ trước kẻ địch. Càng không thể mách cô, mách mẹ, thể là lẻo mép, thế là hèn, là trẻ con ghê gớm. Không đời nào. Mũm lớn rồi, Mũm chịu được và phải chịu được. Mấy con đô vật đấy toàn cấu đến khi tay Mũm tím bầm hết cả lên nhưng mà Mũm sẽ phủ ít đất cát lên bảo tay con bị bẩn, thế là mẹ sẽ không biết đâu mà.
Chỉ có một lần, hồi năm ngoái, đứa nào cào xước lưng Mũm, về nhà mẹ tắm cho Mũm thế là mới biết. Còn đâu, bình thường Mũm chẳng bao giờ để mẹ bận tâm mấy chuyện “vặt vãnh” này cả. Mà mẹ biết cũng chẳng thế giải quyết được gì, mẹ sẽ chẳng bao giờ như mấy mẹ của cái lũ kia mà hung hăng đến đòi gặp bằng được phụ huynh này, cô giáo nọ rồi hỏi “cho ra lẽ xem đứa nào dám bắt nạt con tôi”. Có lẽ, mẹ sẽ chỉ lại ôm Mũm rồi khóc thương, rồi lại đến lớp nhờ vả cô giáo “để ý đến cháu” mà Mũm thì lạ gì, cái “đứa” cô giáo đấy sẽ chả đời nào để mắt đến Mũm đâu. Mũm không thể để mẹ hạ mình, một giây cũng không.
Mũm tự hứa rồi, sau này, Mũm phải làm giám đốc to, phải giàu, lúc đấy, sẽ không ai dám bắt nạt Mũm, bắt nạt mẹ nữa, không bao giờ nữa…Và bà ngoại với dì Mũm cũng không phải ở nhà mái ngói bị dột 54 lỗ nữa…Và chị Mũm sẽ chẳng bao giờ bị lũ học sinh láo lếu bắt nạt suốt ngày đến mức tủi nhục không dám nói nữa…
Mẹ bảo Mũm: “Sao mẹ lại sinh ra hai cô con gái, để nó phải khổ thể này. Nếu là con trai, có khi đã được giống bố, được có phúc hơn rồi. Sao lại làm con gái để rồi giống mẹ thế hả?”
Mũm “bảo” Mẹ: “Con sẽ không khổ. Con sẽ sướng, rất sướng là đằng khác. Xong rồi, con sẽ làm cho mẹ và chị, cả bà với dì nữa trở thành những người phụ nữ “sướng” nhất trái đất này. Con thề. Thề danh dự đấy ạ!”
Mà để Mũm quay lại ngày hôm nay nhé. Dù ghét đi học, Mũm vẫn đang phải đi đến lớp đây. Nhưng mà lần này khác mọi lần, Mũm đi cùng bố, trên chiếc xe 82, chứ không phải mẹ và chiếc mini Nhật nữa (chiếc mini Nhật mà sau đó ít lâu đã bị mất vì mẹ chờ Mũm ăn đu đủ, nói chung, toàn tại Mũm thôi). Tại vì hôm nay mẹ ốm, nên bố phải đưa Mũm đi lớp. Bố chắc cũng được mẹ dặn rồi, nên bố mua cháo sườn cho Mũm ăn, xong bố còn hỏi Mũm có thích ăn gì nữa không, một câu mà mẹ chẳng bao giờ hỏi Mũm đâu, vì nhà Mũm làm gì có tiền mà mua quà vặt, một bát cháo sườn mỗi sáng đã là quá nhiều rồi…
Nhưng mà Mũm cũng chỉ là một cô bé 4 tuổi thôi, Mũm cũng thích ăn đu đủ, ăn kẹo cao su, à, thế là Mũm chọn một phong kẹo cao su vị quế. Mũm thích vị quế, nhưng mà bố bảo, quế nóng lắm, nên bố bảo Mũm lấy hương chuối tại vì bố bảo cái đấy ngọt hơn mà không bị nóng với cay lưỡi như cái kia. Mà Mũm thì chẳng bao giờ cãi bố, từ bé đã thế, thế nên Mũm cũng gật đầu bảo vâng. Nhưng mà, bố chỉ mua cháo, mua kẹo cao su cho Mũm thôi, rồi bố phải đi luôn, bố bận lắm, lắm lắm.
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng và duy nhất bố đưa Mũm đến trường (kể cả những năm sau này, cho đến khi Mũm không bao giờ phải đi đến trường nữa, đấy cũng là lần duy nhất và duy nhất). Ấý thế mà, bố cũng chẳng thể ngồi lại chờ Mũm ăn cho xong bát cháo rồi nhìn Mũm đi vào lớp.
Mũm không giận bố, không ghét bố, nhưng Mũm buồn lắm, Mũm thấy tủi thân. Trong lòng Mũm, cũng muốn được như ai, được cả bố cả mẹ đưa đến tận cửa lớp, được mẹ ngồi thổi cho từng thìa cháo rồi mớm đến tận miệng, được bố ngồi bên cạnh quạt mát, lau mồ hôi, được mẹ cầm hộp sữa bắt hút cho đến hết thì thôi, được bố cầm túi đồ gửi tận tay cô giáo.
Mũm không dám buồn, nhưng nhiều khi Mũm cũng đi về nhà, trùm kín chăn giữa mùa hè rồi căn răng khe khẽ, lúc ấy là khi bậc “quân tử” đang khóc nhè đấy thôi…Mũm ơi, mày phải sướng, mày không được phép khổ, mày không được phép khổ, khổ của người ta sẽ phải là sướng của mày và sướng của người ta phải là rất rất sướng của mày. 4 tuổi của Mũm là những cái cắn răng ken két và những lần tắc mũi, ngạt thở và khóc không ra tiếng. Ôi, “chính nhân quân tử”.
Nhưng dù như thế nào đi nữa, vì đó là lần đầu tiên và sau này đã trở thành duy nhất mà bố đưa Mũm đi học, nên Mũm thấy trân trọng vô cùng. Mũm cũng trân trọng cả phong kẹo cao su hương chuối bố mua cho Mũm nữa. Đây cũng là lần đầu tiên Mũm được có quà vặt buổi sáng, mà còn là cả một phong kẹo hẳn hoi, một phong nhé, chứ không phải là một chiếc, Mũm thấy tự hào lắm, thấy sang lắm. Thế nên, Mũm cẩn thận nhét vào túi áo rồi đi vào lớp sau khi hoàn thành ½ bát cháo sườn mà theo mẹ bảo là “có mỗi tí mà không ăn hết hả Mũm”.
Và rồi lại như bao bữa xế khác, 3 con “trư bát giới” kia lại giằng tay Mũm để đặt lên bàn cho bọn nó cấu. Nhưng mà không được, tay Mũm là để giữ phong kẹo cao su bố mua. Không được đâu, bọn nó mà thấy thì thể nào cũng lấy của Mũm mất. Thế nhưng rồi con bé My béo nhất hội, giật tay Mũm từ túi áo ra để xem Mũm giấu bọn nó cái gì, thế là phong kẹo rơi ra ngoài. Mắt Mũm như bắn ra cả chùm lửa, Mũm mấp máy môi như muốn nói: “Đấy là phong kẹo cao su đầu tiên của tao. Sao mày dám làm rơi? Đồ con lợn ngu dốt kia!”, nhưng lại hiền (hèn) mà không nói lên được.
Mũm nhảy vội ra khỏi ghế, túm chặt phong kẹo cao su rồi ôm khư khư lấy với hai lòng bàn tay úp chặt xuống đất. Với con My, nó chỉ cần dùng chân đẩy Mũm một cái, thì dù Mũm có cố thế nào cũng sẽ chỉ vô ích và gây thêm đau đớn về mình. Nhưng mà Mũm kệ, “đấy là quà của bố Mũm”, đừng hòng mà động vào. Rồi chân con My cứ đạp vào tay Mũm đang ở dưới đất bên trên phong kẹo, Mũm đau chứ, còn đau hơn cả những lần bị bọn nó cấu nhưng mà Mũm chịu được.
Sau một hồi giằng co, “đứa” cô giáo đến và mắng Mũm vì tội tại sao không chịu ngồi ăn tử tế mà lại lăn lê dưới đất thế kia. 3 con quỷ con được thế “bốc phét” về tội trạng cảu Mũm rằng: “Cô ơi, bạn Mũm lấy kẹo cao su của con. Con xin lại mà bạn í không chịu trả. Huhu.” Qủa thực, Mũm không thể ngờ được tài diễn xuất của cái My, nó chả kém gì minh tinh màn bạc trên mấy cái phim truyền hình. Nó giỏi quá mà Mũm thì thua đến mức cứng họng. “Đứa” cô giáo kia hoàn toàn tin tưởng con My, “đứa” đấy lôi Mũm dậy rồi giằng phong kẹo cao su hương chuối từ tay Mũm ra, đưa “trả” lại con My. Qúa đáng hơn, “đứa” cô giáo còn mắng cho Mũm một trận. Mũm không nói gì, Mũm không thể nói gì vì Mũm quả thực không thể ngờ, chỉ là không thể ngờ.
Nếu bây giờ Mũm thanh minh, Mũm nói ra là: “Gì cơ? Đấy là của tao chứ. Là của bố tao mua. Là món quà vặt đầu tiên của tao. Là lần đầu tiên bố mua cho tao quà ăn sáng. Là lần đầu tiên. Mày biết không?”..., Mũm sợ nước mắt sẽ chảy ra. Mũm chỉ có thể ngửa mặt lên trần, mắt căng ra hết cỡ và môi thì mím chặt. Mũm tự nhủ: “Không được. Không thể khóc. Khóc là hèn.”
Chiều đến, bố đón Mũm từ trường về nhà với mẹ rồi bố lại phải đi làm luôn. Hôm nay, lần đầu tiên hoặc là một lần hiếm có lắm lắm, Mũm rúc đầu vào người mẹ và khe khẽ nấc lên: “Mẹ ơi. Mũm làm mất phong kẹo cao su bố mua cho Mũm rồi. Mũm còn chưa được ăn…” Mẹ khẽ cười, ôm Mũm, mẹ bảo: “Để mẹ bảo bố lần sau mua cho Mũm cái khác nhé.” Nhưng mà mẹ ơi: “Lần sau thì đâu còn là lần đầu tiên nữa…” rồi Mũm lại nấc thêm mấy cái nữa rồi im hẳn để mẹ đỡ phiền. Mẹ cười: “Sao con gái tôi, bé như cái kẹo mà nghĩ nhiều thế…Mẹ sẽ bảo bố mua cho, lần sau nhớ…”
Nhưng mà, cho đến tận sau này, hơn mười mấy năm sau đấy, không biết mẹ đã bảo bố chưa, nhưng chẳng bao giờ bố mua lại cho Mũm phong kẹo cao su hương chuối nào nữa…Bởi vì, chẳng bao lâu sau cái ngày hôm nay, cái ngày Mũm làm mất món quà ý nghĩa đầu tiên của cuộc đời, bố phải đi, bố không ở nhà với Mũm nữa. Bố không tung Mũm lên đến gần quạt trần rồi thả Mũm xuống trong tiếng cười khanh khách của cả hai bố con nữa. Bố không xoa đầu Mũm trước khi đi ngủ rồi bảo: “Con gái rượu của bố, ngủ ngon nhớ” thêm một lần nào nữa. Bố không làm hộ chị Mũm bài toán lớp 3 bằng cách giải của Đại học nữa. Bố không ngồi đấy cười mỗi lần mẹ phải phân xử cho trận chiến giữa hai chị em Mũm nữa…Và Mũm, cũng không còn lần nào, trước khi đi ngủ, phải nhắc mẹ: “Đừng tắt đèn mẹ nhé. Trời tối, bố không biết đường về thì sao.”
Chuyện xảy ra cũng nhanh chóng lắm. Hôm đấy, bố về nhà lúc chiều muộn, cả nhà chuẩn bị ăn cơm tối như mọi khi. Chị Mũm vừa tắm xong thì mẹ dọn mâm ra rồi. Bố với mẹ hôm nay nhìn nghiêm trọng lắm, Mũm cũng lo không biết có chuyện gì. Xong rồi, bố bảo, bố có chuyện muốn nói với cả nhà.
Và rồi đấy, bố nói bố phải đi công tác xa, phải đi Sài Gòn, phải đi lâu lắm. Nhưng bố cũng bảo, bố đi là để kiếm tiến cho Mũm với chị Mũm ăn học, được bằng bạn bằng bè, để nhà Mũm cũng được như nhà ai kia. Bố bảo, bố đi bố sẽ lại về, lâu lâu bố sẽ lại về thăm nhà một lần. Rồi mấy năm nữa bố có tiền, bố hứa sẽ về nhà mỗi tháng một lần, rồi có khi mỗi tuần một lần cũng nên.
Bố Mũm vẫn thế, vẫn đùa, vẫn cười như thế. Mẹ Mũm không khóc nhưng nhìn mẹ buồn lắm. Chị cũng thế. Mũm thương mẹ, thương chị và thương cả bố nữa nhưng Mũm còn thương Mũm hơn, vì sao ư?
Vì Mũm của tuổi lên 4 không cần tiền, Mũm chỉ cần được bố đưa đi học mỗi ngày bằng cái xe 82 và chịu ngồi chờ Mũm cho đến khi hoàn thành bát cháo sườn to tướng, nhìn Mũm đi vào lớp và vẫy tay 3 cái chào tạm biệt. Và lâu lâu, có thể một tháng một lần, bố sẽ mua cho Mũm một phong kẹo cao su hương chuối hay một đĩa đu đủ. Buồi chiều, nếu bố phải đi làm về muộn, mẹ sẽ qua đón Mũm bằng cái xe đạp mini Tàu và luôn phải nhắc Mũm cẩn thận để không bị kẹp chân vào nan hoa mà Mũm vẫn thường xuyên bị kẹp.
Chỉ cần thế, Mũm sẽ chẳng bao giờ sợ cái “đứa” cô giáo hay bọn “trư bát giới” ở lớp nữa. Sẽ không phải sợ và trùm chăn thút thít một mình giữa mùa hè. Bởi vì, Mũm sẽ có sức mạnh của một bậc “chính nhân quân tử”…
Mười mấy năm sau này, khi gặp bố, Mũm không bao giờ nói được một câu chuyện tử tế. Hơn cả chục năm xa cách, bố con Mũm không còn thân thiết như ngày xưa nữa. Nhớ ngày nào, Mũm còn tự nhiên thơm lên mặt bố, bây giờ, đến cả một cuộc hội thoại, ôi chao, sao nghe cũng thật gượng gạo…
Nếu được chọn lại, liệu Mũm của tuổi lên 4 có thể gào thật to và khóc thét lên: “Không, con không cho bố đi. Bố còn phải mua cho con phong kẹo cao su vị chuối nữa…Bố không được đi đâu hết…Bố ơi, bố ở nhà với mẹ, với chị, với Mũm, đi mà bố ơi…”? Liệu có thể?
…Những gì qua thì không thể lấy lại…Nhưng Mũm ơi, Mũm vẫn luôn là một bậc “chính nhân quân tử”, được như thế, là bởi vì bố Mũm dạy Mũm đấy.
Năm nay Mũm 4 tuổi.